THU HỒI TÀI SẢN KHÔNG QUA THỦ TỤC KẾT TỘI: CẦN QUY ĐỊNH TẬP TRUNG, THỐNG NHẤT TRONG VĂN BẢN QPPL CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CAO VÀ ỔN ĐỊNH

27/07/2023

Theo ý kiến một số chuyên gia, các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm khác nhau và chưa đầy đủ, nhất là thiếu cơ chế cụ thể trong việc thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp... Vì vậy, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội phải được quy định tập trung, thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao và ổn định.

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI TÀI SẢN BỊ THẤT THOÁT, CHIẾM ĐOẠT KHÔNG QUA THỦ TỤC KẾT TỘI

Thu hồi tài sản bị thất thoát (Ảnh minh họa)

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội đang nổi lên là phương thức rất hữu hiệu trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản tăng thêm mà người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc hợp pháp, qua đó góp phần tăng cường công tác đấu tranh chống tham nhũng. Đây cũng là nội dung được khuyến nghị trong Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và ngày càng được nhiều quốc gia trên thé giới áp dụng.

Theo TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đang được quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật thanh tra, Luật kiểm toán, Luật thi hành án dân sự, Luật phòng chống rửa tiền… Cách thức quy định này vừa không bảo đảm thống nhất, đồng bộ, toàn diện, không bao quát được đầy đủ các vấn đề cần quy định mà còn gây khó khăn, trở ngại cho các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật. Trong khi thu hồi tài sản tham nhũng là một phương diện quan trọng của hiệu quả PCTN, tài sản do tham nhũng mà có là một vấn đề rất nhạy cảm liên quan đến quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, nhất là quyền về sở hữu tài sản.

TS. Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, để có hành lang pháp lý an toàn, thuận lợi, hoàn thiện, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác này, cần khẩn trương pháp điển hóa các quy định hiện hành về thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản do tham nhũng nói chung; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội nói riêng và đồng thời có sự sửa đổi, bổ sung những quy định cần thiết một cách đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, cụ thể, toàn diện trong một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao và ổn định do Quốc hội ban hành.

 TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội, nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp

Nghiên cứu về nội dung này, TS. Đỗ Thu Huyền, Thanh tra Chính phủ cho rằng, hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội cần đặt trong nỗ lực chung nhằm cải cách tổng thể, toàn diện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và cả hệ thống pháp luật nói chung, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa.

Theo đó, cần hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, tiến tới kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội để triệt tiêu ngay từ đầu nguy cơ hình thành tài sản, thu nhập bất minh. Bên cạnh đó, như đã đề cập, phạm vi điều chỉnh của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng rất rộng, quá trình thu hồi tài sản tham nhũng rất phức tạp, đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cùng lúc nhiều chủ thể nên việc hoàn thiện pháp luật vềthu hồi tài sản tham nhũng đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ để hoàn thiện toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung, tạo cơ sở, tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt những đạo luật chủ chốt trực tiếp quy định vềthu hồi tài sản tham nhũng như Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Ths. Nguyễn Hà Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương 

Bàn về quá trình hình thành và phát triển phương thức tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội, Ths. Nguyễn Hà Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, để có thể tịch thu tài sản một cách hiệu quả, cần phải có những bước đi mang tính đột phá, mà một trong những biện pháp được pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận gần đây là việc tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội.

Tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội dựa trên quan điểm coi tịch thu tài sản là biện pháp để phục hồi, khắc phục hậu quả của hành vi tội phạm. Ưu điểm của hình thức này là vẫn có thể tiến hành tịch thu tài sản ngay cả khi người phạm tội không bị kết án. Quá trình tịch thu tài sản không dựa trên kết án đòi hỏi tòa án phải xem xét và chấp nhận các bằng chứng được cho là có  ưu thế về mức độ tin cậy, có tính thuyết phục hơn về nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản khi chủ sở hữu không thể chứng minh nguồn gốc hợp pháp; tuy nhiên, yêu cầu tiêu chuẩn về chứng cứ tại các phiên toà dân sự thấp hơn so với tố tụng hình sự.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Hà Thanh cũng cho biết, dưới góc độ pháp luật quốc tế, các hiệp định đa phương được xây dựng để quy định các nghĩa vụ quốc gia trong việc hợp tác với quốc gia khác trong tịch thu, chia sẻ tài sản, hỗ trợ pháp luật và bồi thường cho các nạn nhân. Một số công ước của Liên hợp quốc và các hiệp định đa phương chứa đựng các quy định liên quan đến tịch thu: Công ước Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần (Công ước Viên năm 1988); Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC năm 2000); Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC năm 2004);…

Trong các văn bản trên, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) có quy định cụ thể về tịch thu NCB và các nghĩa vụ có tính đột phá đối với các quốc gia trong việc hợp tác quốc tế trong các vấn đề hình sự, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính lẫn nhau. Điều 54(1)(c) của UNCAC quy định các quốc gia thành viên nên xem xét tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự do bị cáo đã chết, chạy trốn hoặc vắng mặt hoặc trong các trường hợp có thể xảy ra khác.

TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội

Nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội, TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội cho rằng, các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội còn nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm khác nhau và chưa đầy đủ, nhất là thiếu cơ chế cụ thể trong việc thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay thu hồi tài sản trong trường hợp người có hành vi vi phạm đã chết trước khi xét xử, bỏ trốn...

Cũng theo TS. Hoàng Nam Hải, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đóng vai trò quan trọng, là một bộ phận không thể tách rời của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội có tác động đến việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nâng cao tính liêm chính của bộ máy nhà nước và niềm tin của người dân đối với cuộc chiến chống tham nhũng của Nhà nước. Kết quả của công tác thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí để đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Việc hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội sẽ tác động mạnh mẽ tới việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đồng thời tác động lớn đến việc nâng cao tính liêm chính của hệ thống các cơ quan nhà nước, thông qua việc triệt tiêu động cơ tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan này. Việc thực hiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt càng nghiêm minh thì niềm tin của người dân đối với chính quyền, với tính liêm chính của hoạt động công vụ càng vững chắc./.

Lê Anh