PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI TỈNH LẠNG SƠN VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

26/07/2023

Sáng 26/7, tại Lạng Sơn, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TỈNH CAO BẰNG VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HUYỆN BÌNH GIA (LẠNG SƠN) VỀ THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI XÃ HỒNG PHONG (LẠNG SƠN) VỀ THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh cuộc làm việc

Cùng dự về phía Quốc hội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó trưởng Đoàn giám sát; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là các thành viên Đoàn giám sát; Tổ giúp việc Đoàn giám sát.

Về phía tỉnh Lạng Sơn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn; ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; ông Dương Đình Thông - Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu I cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương…

Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nêu rõ, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và hằng năm được sự phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự chủ động, linh hoạt, trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả nhất định, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư và chuyển biến đáng kể; diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên.

Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương đã cơ bản đầy đủ để thực hiện công tác lập, phê duyệt, giao kế hoạch thực hiện năm 2023, nguồn vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm tại điều kiện thuận lợi cho tỉnh rà soát, xây dựng kế hoạch phù hợp khả năng, nguồn lực thực hiện của tỉnh.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành 21/50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 42% so với mục tiêu đề ra (dự kiến năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn), 10/25 xã nông thôn mới nâng cao mới (dự kiến năm 2023 có thêm 05 xã); giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 3% đáp ứng mục tiêu đề ra.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện các CTMTQG trên địa bàn.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chỉ rõ còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện các CTMTQG. Kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn thôn mới chưa đồng đều giữa các huyện, còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa nhóm xã đạt chuẩn và các xã khác; mức độ đạt bình quân tiêu chí/xã còn thấp, số lượng xã dưới 10 tiêu chí còn ở mức cao; công tác duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập.

Kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao, thông báo không theo nội dung thành phần, tuy nhiên hệ thống báo cáo của Trung ương yêu cầu báo cáo chi tiết thực hiện và giải ngân theo từng nội dung thành phần gây khó khăn cho địa phương trong công tác báo cáo.

Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 có nhiều chỉ tiêu mới và mức đạt cao hơn so với giai đoạn 2016 - 2020; một số chỉ tiêu, tiêu chí quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tỉnh miền núi như: Tiêu chí thu nhập tăng thêm 3,0 triệu đồng/người/năm theo từng năm là không hợp lý; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống nước tập trung; tiêu chí về môi trường, hộ nghèo đa chiều, mai táng, hoả táng, tỷ lệ khám chữa bệnh từ xa, tỷ lệ các tuyến đường trục xã lắp điện chiếu sáng… Vì vậy, các xã chưa đạt chuẩn hoặc đã đạt chuẩn tiếp tục thực hiện các tiêu chí gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm tuy đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch, nhưng không bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao, tỷ lệ giảm nghèo chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn. Việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo ở cơ sở một số nơi còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; một bộ phận hộ nghèo chậm chuyển biến nhận thức, chưa tích cực, chủ động trong phát triển sản xuất để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Hệ thống văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn của Trung ương chậm ban hành, nhất là thời điểm xây dựng kế hoạch, nên một số địa phương lúng túng trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình; hiện nay còn 02 nội dung của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành văn bản…

Các thành viên Đoàn giám sát

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tính đến tháng 7/2023, tỉnh đã ban hành 101 văn bản gồm: 23 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 26 Quyết định, 26 kế hoạch, 26 văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Tuy nhiên, số lượng văn bản của tỉnh tương đối nhiều, có thể dẫn đến việc thực hiện khó áp dụng cho cơ sở, một số thành viên Đoàn giám sát đặt vấn đề, tỉnh nên có sổ tay hướng dẫn thực hiện các văn bản nêu trên để thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Các thành viên Đoàn giám sát lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân rất thấp, trong khi tỉnh lại thiếu bộ máy giúp việc cho Chương trình này. Các ý kiến băn khoăn liệu việc tỉnh Lạng Sơn bỏ phòng dân tộc ở cấp huyện đã gây khó khăn trong việc nắm bắt đời sống, tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu cán bộ triển khai, gây ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành Chương trình?

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn đã triển khai kịp thời, chủ động trong cách làm, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao của các CTMTQG. Đồng thời khẳng định, tỉnh Lạng Sơn đã vào cuộc rất quyết liệt, nêu cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh đạt 7,22%; tỉnh đã có 21/50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 42% so với mục tiêu đề ra. Giải ngân vốn đầu tư phát triển cho các Chương trình mục tiêu quốc gia tương đối tốt. Tỉnh cũng hỗ trợ 10 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, thành lập mới hơn 90 hợp tác xã nông nghiệp.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội phát biểu kết luận cuộc làm việc.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, giảm nghèo ở tỉnh Lạng Sơn chưa thật sự bền vững, bởi lẽ hộ nghèo giảm, nhưng hộ cận nghèo lại tăng lên. Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Lạng Sơn như giao vốn sự nghiệp còn chậm, khó khăn về đất ở, đất sản xuất, khoanh nuôi bảo vệ rừng, đào tạo nghề, khó khăn trong lồng ghép nguồn vốn, hỗ trợ sản xuất theo chuỗi, sản xuất theo cộng đồng…, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Lạng Sơn phải thống kê, lập danh mục những khó khăn, vướng mắc gửi lại Đoàn giám sát, trong đó, số liệu phải là “con số biết nói”, phản ánh thực chất tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của Tổ Công tác, thành viên Đoàn giám sát; tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị về từng Chương trình, các dự án, tiểu dự án gửi Đoàn giám sát.

Đồng thời cần sớm chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đánh giá nội dung, dự kiến kế hoạch triển khai các nhiệm vụ theo Nghị định số 38/2023/NĐ-CP và các văn bản khác mới được sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Đánh giá kết quả thực hiện cơ chế lồng ghép giữa các CTMTQG và giữa các CTMTQG với các chương trình, dự án khác trên địa bàn; cơ chế huy động các nguồn lực thực hiện các CTMTQG.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với tinh thần “bám trên, sát dưới” - UBND tỉnh phải bám sát các văn bản của cơ quan Trung ương để chủ động triển khai, đồng thời phải sâu sát cơ sở để kịp thời hỗ trợ cấp huyện, cấp xã. 

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã trao quà lưu niệm tặng UBND tỉnh Lạng Sơn; tặng quà cho lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Lạng Sơn./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó trưởng Đoàn giám sát điều hành cuộc làm việc.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Đinh Ngọc Minh, Tổ trưởng Tổ công tác báo cáo một số vấn đề cần quan tâm về triển khai thực hiện các các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan - Phó Trưởng đoàn công tác số 2 báo cáo một số vấn đề cần quan tâm qua làm việc tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân

Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tỉnh Lạng Sơn phải thống kê, lập danh mục những khó khăn, vướng mắc gửi lại Đoàn giám sát, phản ánh thực chất tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Nhân dịp này, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao quà lưu niệm tặng UBND tỉnh Lạng Sơn.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao quà lưu niệm tặng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Lạng Sơn.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao quà lưu niệm cho lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng tỉnh Lạng Sơn./.

Bích Ngọc - Thanh Hải