PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TẠI TỈNH LẠNG SƠN

25/07/2023

Sáng ngày 25/7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã dẫn đầu Đoàn giám sát, đã tìm hiểu thực tế và làm việc với UBND huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TỈNH CAO BẰNG VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TẠI TỈNH CAO BẰNG

Cuộc giám sát tập trung vào nội dung về “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021-2030”.

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Tham dự buổi giám sát và làm việc cùng với Đoàn, có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, cùng các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở ngành có liên quan và lãnh đạo huyện Tràng Định.

Tràng Định là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, phần lớn dân số là đồng bào dân tộc. Tổng số hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện năm 2022 là 2.672 hộ, chiếm 17,74%. UBND huyện đã xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 như sau:

Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới: Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng 5 xã so với năm 2020), 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTSS và MN: Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 3%. Số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 6 xã, tỷ lệ xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 54,4%.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% trở lên theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025.

Ông Vũ Đức Thiện - Chủ tịch UBND huyện Tràng Định phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát.

Giai đoạn 2021-2025, dự kiến huyện được giao tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước là hơn 438 tỷ đồng, mới đáp ứng được 19,48% nhu cầu nguồn lực NSNN thực hiện Chương trình MTQG. Từ năm 2021, UBND huyện đã ban hành 69 văn bản hành chính các loại để phân bổ, xây dựng kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Tính đến ngày 30/6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển của huyện là hơn 74 tỷ đồng, đạt 50,7%. Tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp là hơn 2,3 tỷ đồng, đạt 2,08%, trong đó Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giải ngân đạt 4,96%, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giải ngân đạt 1,94%, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 1,09%. Theo UBND huyện, Kế hoạch giao vốn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao muộn (cuối tháng 5/2022), trong khi đó hệ thống văn bản pháp luật và hướng dẫn của Trung ương còn chưa đầy đủ, nên việc triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn năm 2022 đạt thấp.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị địa phương làm rõ có hay không xu hướng hộ cận nghèo tăng thêm, nguyên nhân từ đâu? Tiêu chí xây dựng Nông thôn mới hiện nay các xã đạt chuẩn Nông thôn mới đạt được bao nhiêu? Các tiêu chí giảm nghèo đã phù hợp với địa phương hay chưa? Các đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi, liệu có hay không chuyện thành tích trong xây dựng Nông thôn mới. Với tỷ lệ giải ngân Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và MN quá thấp, đề nghị địa phương chỉ rõnguyên nhân chủ quan, khách quan trong vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Đoàn giám sát tìm hiểu thực tế công tác dạy và học tại trường Tiểu học xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của huyện Tràng Định trong việc triển khai 3 Chương trình MTQG. Quyết tâm đó được thể hiện ở việc giảm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,3%. Tuy nhiên, huyện cũng cần hết sức chú ý tính bền vững của việc giảm nghèo. Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị huyện rà soát toàn bộ kết quả, mục tiêu, chỉ tiêu các Chương trình MTQG; đánh giá đúng thực chất, làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, tập trung đánh giá cụ thể từng dự án, tiểu dự án để tìm ra những vướng mắc, kiến nghị kịp thời giải quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý địa phương cần xác định rõ trọng tâm trong thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó nên chăng lấy giảm nghèo làm trung tâm để thúc đẩy thực hiện xây dựng Nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Cùng với đó, xác định các đột phá, ngoài hạ tầng giao thông còn hạ tầng kinh tế xã hội để tạo điều kiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng giá trị của sản phẩm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Đoàn giám sát tìm hiểu thực tế công tác dạy và học tại trường Mầm non An Khuyên.

Trong tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần triển khai theo hướng “cầm tay chỉ việc”, cùng với đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, qua đó góp phần thực hiện giải ngân, tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, tiểu dự án thành phần của các Chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nhấn mạnh: “Những gì đã chín rõ thì quyết làm bằng được. Những cái chưa chín, chưa rõ thì mạnh dạn làm thí điểm trên tinh thần công tâm, khách quan, bài bản, khoa học, tất cả vì người dân”, đồng thời lưu ý địa phương, tránh tình trạng tư tưởng e dè, sợ sai, né tránh trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG.

Nhân dịp giám sát tại địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã tặng quà cho 15 hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Tràng Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Tràng Định.

Trước đó, đầu giờ sáng 25/7, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn đầu đã đến tìm hiểu thực tế công tác dạy và học tại Trường Tiểu học xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định và Trường Mầm non An Khuyên trên địa bàn xã, đồng thời ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các giáo viên nhà trường từ khi xã Quốc Khánh đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2022./.

Khắc Phục