PCCC LÀ NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN, GẮN LIỀN VỚI CÔNG TÁC KHÁM CHỮA BỆNH, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN CỦA NGÀNH Y TẾ

24/07/2023

Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, với đặc điểm ngành y tế là nơi thường xuyên tập trung đông người, nhất là tại các bệnh viện, viện tuyến trung ương, tại các cơ sở đào tạo, do đó, công tác bảo đảm PCCC và cứu nạn cứu hộ tại các đơn vị thuộc trực thuộc Bộ Y tế luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 99/2019/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ NGÀNH

Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có buổi làm việc với các Bộ về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14.

Bộ Y tế nghiêm túc triển khai công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy

Triển khai chương trình giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022”, vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14.

Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế. Với đặc điểm ngành y tế là nơi thường xuyên tập trung đông người, nhất là tại các bệnh viện, viện tuyến trung ương, tại các cơ sở đào tạo, do đó, nếu xảy ra sự cố cháy, nổ, nguy cơ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nên công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

Trong giai đoạn từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2022, do tình hình của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn ra rất phức tạp, bùng phát nhiều lần, các đơn vị thuộc Bộ Y tế phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai các hoạt động về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cơ bản được nghiêm túc triển khai nên tại Bộ Y tế chưa xảy ra sự cố về cháy, nổ đáng kể gây thiệt hại về người và tài sản.

Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Dương Đức Thiện, để triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy theo đúng quan điểm của Nghị quyết số 99/2019/QH14, Bộ Y tế xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc trực thuộc Bộ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

 Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Dương Đức Thiện​ báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2020-2022.

Hàng năm, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, cơ quan Bộ Y tế đều phối hợp với các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại địa phương tổ chức huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho toàn thể công chức, viên chức và người lao động cũng như tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đồng thời huấn luyện, hướng dẫn thực hành sử dụng các phương tiện chữa chảy và thực hành các phương án thoát hiểm.

Với những hình thức tuyên truyền, phổ biến cụ thể như trên đã làm thay đổi và chuyển biến rõ rệt nhận thức của đa số công chức, viên chức và người lao động trong việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

Bên cạnh đó, trong phạm vi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, việc xây dựng phong trào toàn dân tham gia Phòng cháy chữa cháy được cụ thể hóa bằng việc phát động toàn thể công chức, viên chức và người lao động tham gia vào công tác phòng cháy, chữa cháy khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, thành lập đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ làm nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy với đại diện là Lãnh đạo đơn vị, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị. Chỉ đạo các đơn vị ban hành Quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cá nhân (đặc biệt là phụ trách các bộ phận) trong việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy và đảm bảo an toàn cháy nổ.

Bộ Y tế thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ (trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy) tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế. Các đơn vị đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương hoàn thành việc xây dựng phương án chữa cháy, thoát hiểm; Phương án cứu hộ cứu nạn và định kỳ hàng năm tổ chức diễn tập thực hành các phương án này tại cơ sở.

Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế thường xuyên tiến hành rà soát, kiểm tra lại các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ hiện có ở đơn vị và lập kế hoạch sửa chữa, thay thế các phương tiện đã cũ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời phải bổ sung những phương tiện, thiết bị còn thiếu, đặc biệt lưu ý trang bị đủ cho các điểm trọng yếu như kho tàng, các vị trí dễ gây cháy, nổ. Hoạt động tự kiểm tra về công tác phòng cháy, chữa cháy được các đơn vị thực hiện thường xuyên, ít nhất 01 lần/quý.

Trong các dịp cao điểm, Lễ, Tết đều bố trí lực lượng thường trực săn sàng chiến đấu đảm bảo an ninh trật tự và sẵn sàng chữa cháy nếu có tình huống xảy ra.

Cần đảm bảo kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại các cơ sở y tế

Về những hạn chế, bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế Dương Đức Thiện cho biết, công tác xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy chưa thực sự có chiều sâu, việc xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phòng trào còn hạn chế. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, thường xuyên, chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm; về hình thức, nội dung tuyên truyền chưa sinh động, tác dụng giáo dục còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các thành viên được phân công phụ trách công tác Phòng cháy chữa cháy tại các đơn vị là kiêm nhiệm nên hiệu quả tham mưu cho cấp trên còn hạn chế và khi có sự cố việc huy động lực lượng rất khó khăn do phân tán. Điều kiện kinh phí còn hạn chế nên việc đầu tư để trang bị phương tiện, kỹ thuật chữa cháy cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển thực tế.

Trước tình hình an ninh, trật tự, công tác an toàn phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ... hiện nay tại các bệnh viện, các cơ sở y tế có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Y tế mong tiếp tục nhận được sự phối hợp, hiệp đồng của Bộ Công an và các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các cấp phối hợp xây dựng, củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở y tế, các đơn vị trong ngành y tế đủ mạnh đáp ứng được các nhiệm vụ về phòng cháy chữa cháy, có hiểu biết căn bản về phòng cháy chữa cháy, biết cách tự kiểm tra và sử dụng thành thạo các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ, xử lý ban đầu có hiệu quả các tình huống cháy nổ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Đồng thời tiếp tục phối hợp, tổ chức tập huấn nâng cao và bồi dưỡng kiến thức; ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế.

Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo trong việc đảm bảo kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại các cơ sở y tế; bảo đảm chế độ chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác