TẬP TRUNG ĐỀ XUẤT QUY ĐỊNH VỀ THUẾ BỔ SUNG TỐI THIỂU NỘI ĐỊA ĐẠT CHUẨN VÀ THU NHẬP CHỊU THUẾ TỐI THIỂU KHI ÁP DỤNG THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU

23/07/2023

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua nghị quyết, trong đó có việc sửa đổi chính sách thuế khi Việt Nam tham gia thuế tối thiểu toàn câù. Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng Cục thuế, ngành thuế sẽ Tập trung đề xuất chính sách để áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH ÁP DỤNG THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế

Phóng viên: Thưa ông Lưu Đức Huy, xin ông cho biết lộ trình và phản ứng ứng phó của các nước khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, từ năm 2024?

Ông Lưu Đức Huy:  đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam: như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore…Các nước thuộc Liên minh Châu Âu, các nước Châu Âu không phải thành viên của EU như Thụy Sĩ, Vương Quốc Anh, Na Uy và các nước Châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Úc sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.  Riêng Hoa Kỳ nâng mức thuế suất tối thiểu của cơ chế thuế tối thiểu của hiện hành của Mỹ từ 10,5% lên 21% và sửa đổi các quy tắc liên quan để phù hợp với các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu

Với các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên có thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính. Đồng thời, các nước này cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới.

Cụ thể, Indonesia áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR bắt đầu từ năm 2024 (Income Inclusion Rule: quy định cho phép quốc gia có công ty mẹ tối cao đặt trụ sở chính được đánh thuế công ty mẹ tối cao đối với thu nhập của công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế thực tế ở dưới mức thuế tối thiểu 15%) ; đồng thời, áp dụng UTPR từ năm 2025. Hay Malaysia cũng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; Thái Lan áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2025. Thái Lan cũng đề xuất thu thuế bổ sung thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn và thực hiện phân bổ 50% - 70% nguồn thu thuế bổ sung này sang Quỹ Hỗ trợ công nghiệp trọng điểm thuộc Đạo luật tăng cường cạnh tranh. Quỹ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp một phần do thực hiện việc điều chỉnh tăng thuế tối thiểu toàn cầu.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại nước ngoài như Tập đoàn Viettel hay PVN?

Ông Lưu Đức Huy: Đối với Tập đoàn Viettel, về cơ bản, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại các nước do Viettel đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp qua Viettel Global đầu tư đều trên 15%, trừ tại Viettel Đông Timor mức thuế 10% (được miễn thuế theo từng khu vực, bình quân thuế suất thực tế từ 5-7 %).  Như vậy, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (quy định IIR) mà Đông Timor không áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (QDMTT), sẽ có khả năng thu thêm phần thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu so với mức thuế thực tế Viettel phải nộp tại Đông Timor.

Còn đối với Tập đoàn PVN, các dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN tập trung chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực dầu khí, chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc loại thuế tương tự thuế thu nhập doanh nghiệp tại các quốc gia khá cao từ 30 - 60%. Do đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hiện tại không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN. Đối với các tập đoàn khác có công ty mẹ tối cao tại Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Tổng cục Thuế đang tiếp tục rà soát, đanh giá tác động đối với các tập đoàn này, bao gồm tác động của quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu theo quy định IIR và tác động của quy định QDMTT.

Phóng viên: Thưa ông, từ lâu ưu đãi thuế, phí vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam? Giải pháp ứng phó của ngành thuế như thế nào trong bối cảnh Quốc hội đã có Nghị quyết?

Ông Lưu Đức Huy: Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như: góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; đồng thời, tăng cường hội nhập quốc tế theo hướng sẽ góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, qua khảo sát cho thấy, chính sách và quy định không rõ ràng, khó khăn về thủ tục hành chính và thủ tục visa là những rào cản lớn nhất để doanh nghiệp nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế.

Để thích ứng với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 tới đây,  các nước cần quy định vào trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp. Thuế tối thiểu toàn cầu là quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần phải trình Quốc hội xem xét, quy định. Hiện nay, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ nghiên cứu về vấn đề này. Theo đó, Tổng cục Thuế tham mưu cho Bộ Tài chính tổ chức và phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp để triển khai các phương án khả thi.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho Bộ Tài chính hệ thống các văn bản của Quốc hội, Chính phủ quy định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo đúng hướng dẫn của OECD như: quy định mẫu, tài liệu diễn giải, hướng dẫn hành chính, hướng dẫn quy định miễn trừ và giảm phạt và các văn bản quy định chi tiết khác do Diễn đàn hợp tác chung OECD/G20 về quy định chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ban hành. Trong đó, tập trung đề xuất áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR).

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Hải Yến