ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH TÂY NINH VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

20/07/2023

Sáng 20/7, tại TP. Tây Ninh, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã tổ chức cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với UBND tỉnh Tây Ninh.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HUYỆN TÂN CHÂU (TÂY NINH) VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TỈNH GIA LAI VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HUYỆN CHƯ PĂH (GIA LAI) VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND tỉnh Tây Ninh

Cùng dự về phía Quốc hội có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc của Đoàn giám sát, lãnh đạo Vụ Dân tộc…

Về phía UBND tỉnh Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, đại diện các sở, ban ngành liên quan.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh cho biết,  công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của UBND tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh từ việc thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản triển khai thực hiện các chương trình theo quy định của Trung ương. Nhờ vậy, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đối với từng chương trình.

Đại diện UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, kết quả thực hiện các Chương trình MTQG góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao, góp phần giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng, địa phương; đồng thời, giúp cơ sở hạ tầng, ngày càng phát triển toàn diện; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, phương thức sản xuất từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; mặt bằng dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên; ý thức của đồng bào về chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng cao; tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng các dân tộc được phát huy; niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 là 2.983,688 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 480,543 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 2.503,145 tỷ đồng; chủ yếu phân bổ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới (98,7% vốn đầu tư công và 46,7% vốn sự nghiệp); đối với 2 Chương trình còn lại mức vốn đầu tư tương đối thấp do tỉnh không có đối tượng, địa bàn được ưu tiên đầu tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh cũng chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các CTMTQG như công tác lồng ghép nguồn lực thực hiện các CTMTQG gặp nhiều khó khăn do các Bộ, ngành chưa hướng dẫn rõ nội dung để tránh chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình và để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn khiêm tốn.

Nhiều xã vùng sâu, vùng xa chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư mới. Chưa huy động được nguồn vốn tín dụng và phát huy nội lực của địa phương về tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Các Chương trình có nhiều nội dung toàn diện, tổng hợp và thực hiện trong thời gian dài nhưng lực lượng cán bộ ở cơ sở còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu…

Mặt khác, hiện nay các Bộ, ngành Trung ương không có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về việc phân bổ đối với nguồn vốn sự nghiệp trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình nên địa phương gặp rất khó khăn trong xây dựng phương án phân bổ vốn cho các đơn vị, địa phương.

Các xã có điều kiện kinh tế xã hội không đều nhau nên càng về sau Chương trình càng khó khăn hơn, nguồn lực đầu tư càng lớn hơn nhưng nguồn thu ngân sách xã ở các xã thấp nên ảnh hưởng đến lộ trình phấn đấu đạt mục tiêu.

Từ một số khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị, xem xét, điều chỉnh bổ sung một số chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 như: tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ≥ 55% (≥ 30% từ hệ thống cấp nước tập trung); kiến nghị dừng thực hiện tiêu chí tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử: ≥70% trong giai đoạn 2021 - 2025, do ở vùng sâu, vùng xã hạ tầng viễn thông chưa được kết nối đồng bộ, người dân còn nghèo, thu nhập thấp nên chưa đủ khả năng sử dụng điện thoại thông minh, cũng như không biết sử dụng app mobile. Bên cạnh đó, có văn bản hướng dẫn, thống nhất các nội dung được thực hiện đối với Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn để Tây Ninh có cơ sở triển khai thực hiện…

Các thành viên Đoàn giám sát

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã chỉ ra các vấn đề cần làm rõ thêm như những vướng mắc trong các văn bản hướng dẫn của Trung ương, nhất là từ khi Chính phủ các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản, thông tư hướng dẫn, quản lý chỉ đạo thực hiện các Chương trình. Trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành của trung ương trong việc tham mưu sửa đổi các văn bản, hướng dẫn.

Đồng thời, các thành viên Đoàn giám sát nêu rõ việc thực hiện các nguyên tắc trong các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia là: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng cơ chế đặc thù; tăng cấp phân cấp, phân quyền; xây dựng cơ chế lồng ghép các Chương trình… Có dự báo, đánh giá về khả năng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhất là trong bối cảnh các tiêu chí mới khó khăn hơn, các hướng dẫn chưa được đầy đủ; cũng như quan điểm đối với một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa phù hợp với địa phương mà chưa thể hoàn thành trong giai đoạn này...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận, đánh giá cao kết quả Tây Ninh đã đạt được trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thông qua những kết quả đạt được cho thấy sự chỉ đạo thống nhất từ tỉnh xuống huyện, xã trong quá trình triển khai cũng như nỗ lực thoát nghèo, vươn lên của người dân trong việc sử dụng các nguồn vốn vay rõ ràng, thiết thực. Qua báo cáo của tỉnh cũng thấy rõ hơn sự tồn tại, hạn chế của trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên cả nước, trong đó có Tây Ninh, khẳng định hơn sự quan trọng của việc giám sát giữa kỳ.

Tây Ninh là một trong 15 tỉnh được chọn giám sát có điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, tỉnh cần có đánh giá cụ thể hơn về các vấn đề, thể hiện rõ quan điểm về những vướng mắc, khó khăn, phản ánh rõ hơn về thực tiễn triển khai. Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh tiếp tục có sự chỉ đạo sát sao cụ thể, rà soát lại nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh, đề xuất những nội dung nào còn chậm để thúc đẩy việc triển khai, bổ sung báo cáo. Điều này cũng góp phần cho Đoàn giám sát có cơ sở phản ánh khách quan, trung thực, đầy đủ về công tác chỉ đạo, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Tây Ninh. Từ đó có phân tích chính xác, cụ thể và xây dựng các chính sách hiệu quả hơn.

Một số hình ảnh của Đoàn giám sát tại Tây Ninh:

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị tỉnh Tây Ninh cần có đánh giá cụ thể hơn về các vấn đề, thể hiện rõ quan điểm về những vướng mắc, khó khăn, phản ánh rõ hơn về thực tiễn triển khai. 

Đại diện lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và các sở, ban ngành

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại cuộc làm việc

Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành báo cáo về việc triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Hoàng Anh 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu tại cuộc làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát đóng góp ý kiến vào Báo cáo của tỉnh Tây Ninh về việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG.

Nhân dịp này, Đoàn giám sát của Quốc hội trao tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Tây Ninh./.

Bích Ngọc - Thanh Hải