PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
Chính phủ và Nghị viện phối hợp với nhau chủ yếu trong giai đoạn xây dựng, đề xuất các dự luật
PGS.TS Đặng Minh Tuấn cho biết, tùy vào từng chính thể nhà nước, Nghị viện và Chính phủ có vị trí, vai trò và mối quan hệ khác nhau trong hoạt động lập pháp. Ở các nước theo Chính thể Đại nghị (như Anh, Đức), việc áp dụng mềm dẻo nguyên tắc phân quyền cho phép Chính phủ có vai trò quan trọng trong quy trình lập pháp: Chính phủ có quyền xây dựng và trình dự án luật để Nghị viện xem xét thông qua.
Trong khi đó, theo chính thể Cộng hòa Tổng thống dựa theo nguyên tắc phân quyền cứng rắn (như Hoa kỳ), quyền lập pháp là một đặc quyền của Nghị viện. Do vậy, Nghị viện nắm toàn quyền việc đề xuất, xây dựng , thảo luận và thông qua luật. Chính phủ không có quyền trong việc đề xuất, xây dựng, thảo luận và thông qua luật. Chính phủ không có quyền can thiệp vào hoạt động lập pháp. Tổng thống chỉ có thể ảnh hưởng đến quyền lập pháp thông qua quyền phủ quyết luật và đọc Thông điệp của mình trước Nghị viện để trình bày các quan điểm, đường lối chính trị của hành pháp, trong đó liên quan đến lập pháp.
Các nước theo chính thể hỗn hợp (như Pháp, Nga), Chính phủ có vai trò tương tự trong hoạt động lập pháp như các nước theo Chính thể Đại nghị. Hàn Quốc áp dụng chính thể Cộng hòa Tổng thống, nhưng vẫn duy trì một số đặc điểm của Chính thể đại nghị. Một trong những đặc điểm đó là Chính phủ vẫn được trao quyền trình dự án luật, và do đó đóng vai trò quan trọng trong quy trình lập pháp.
Trong hoạt động lập pháp, Chính phủ có vai trò xây dựng, đề xuất các dự án luật, trong khi Nghị viện có quyền xem xét, thông qua luật. Do vậy, quy trình lập pháp thường được phân làm 2 giai đoạn: Giai đoạn Chính phủ (xây dựng, đề xuất các dự luật) và giai đoạn Nghị viện (xem xét, thông qua luật). Hai giai đoạn này khá độc lập với nhau, bởi mỗi cơ quan thực hiện một vai trò khác nhau trong từng giai đoạn. Mặc dù vậy, Chính phủ và Nghị viện cũng phối hợp với nhau trong hoạt động lập pháp, chủ yếu trong giai đoạn xây dựng, đề xuất các dự luật.
Chính phủ cần coi trọng việc tham vấn Quốc hội, các bên liên quan và công chúng về dự luật
Từ kinh nghiệm các nước, PGS. TS Đặng Minh Tuấn đề xuất một số bài học kinh nghiệm cho Việt nam trong phối hợp nâng cao chất lượng xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh cũng như phối hợp nâng cao hiệu quả xem xét, thảo luận và thông qua luật, pháp lệnh. Cụ thể:
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luât, dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến phải được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban hữu quan của Quốc hội thẩm tra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Các quy định của pháp luật về vai trò của các ủy ban Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thẩm tra các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội rất phù hợp với kinh nghiệm quốc tế (Anh Quốc) nhằm nâng cao chất lượng của các dự thảo luật, pháp lệnh. Vấn đề hiện nay là cần phải chú trọng thực thi các quy định này một cách thực chất trên thực tế.
Để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội trong hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh, Chính phủ cần coi trọng việc tham vấn Quốc hội, các bên liên quan và công chúng về dự luật. Chính phủ cần công khai đăng tải các đề xuất, ý tưởng và dự thảo luật trước khi trình quốc hội để tham vấn Quốc hội, các bên liên quan và công chúng. Việc công khai này một mặt giúp cho các ủy ban của Quốc hội có thể theo dõi, giám sát thường xuyên các dự luật của Chính phủ trong quá trình xây dựng, giúp cho các phiên thẩm tra trở nên hiệu quả hơn. Đồng thời, các ủy ban cũng như các đại biểu Quốc hội cũng có cơ hội để lắng nghe ý kiến của người dân, các tổ chức hữu quan để đóng góp cho dự thảo.
Mặc dù Quốc hội và các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc góp ý hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh do Chính phủ xây dựng, nhưng cần phải khẳng định rằng xây dựng luật, pháp lệnh là giai đoạn Chính phủ, chất lượng các dự thảo luật, pháp lệnh phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của Chính phủ.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý quyền trình dự án luật không chỉ là quyền của Chính phủ. Các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng có quyền trình dự án luật. Để hiện thực hóa quyền trình dự án luật của các đại biểu và các cơ quan của Quốc hội, việc sử dụng các Bộ và công chức liên quan hỗ trợ xây dựng dự án luật có thể là một giải pháp hiệu quả.
Quy định chi tiết quy trình xem xét, thảo luận và thông qua các luật
Ngoài ra, PGS. TS cũng cho biết, Quốc hội thực hiện quyền lập pháp chủ yếu thông qua xem xét, thảo luận và thông qua luật, pháp lệnh. Giai đoạn này là giai đoạn làm luật của Quốc hội. Chính phủ đóng vai trò là cơ quan trình dự án để Quốc hội thảo luận và tiếp nhận các phản hồi thảo luận đó để tiếp tục hoàn thiện dự án luật trình dự án luật trong lần tiếp theo.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, quy trình làm luật của Quốc hội là giai đoạn cơ bản, quan trọng nhất của quy trình lập pháp. Do vậy, pháp luật và các nước quy định rất chi tiết quy trình xem xét, thảo luận và thông qua các luật tại lần thảo luận tại Quốc hội. Quy trình làm luật tại Quốc hội thường có nhiều giai đoạn: nhiều lần thảo luận tại kỳ họp; các lần thẩm tra của các ủy ban xen giữa các lần thảo luận tại kỳ họp; phần góp ý kiến của Chính phủ. Những kinh nghiệm tốt này cần được cân nhắc đề xuất hoàn thiện quy trình làm luật tại Việt Nam.
Trong quy trình này, Chính phủ đóng vai trò trình bày, tiếp nhận các phản hồi và thảo luận để hoàn thiện dự án luật. Quốc hội có quyền đề xuất và quyết định các sửa đổi dự án luật được đệ trình bởi Chính phủ, nhưng Chính phủ có quyền thảo luận các đề xuất, ý kiến của Quốc hội để thuyết phục cho dự án luật do Chính phủ đệ trình. Theo kinh nghiệm các nước, Chính phủ cũng có thể từ bỏ việc tiếp tục trình dự án do ý kiến phản đối của Quốc hội./.