NGHIÊN CỨU, ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG KHI MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA HOẠT ĐỘNG VIỄN THÔNG
Toàn cảnh phiên họp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đồng chủ trì phiên họp. Cùng dự phiên họp có đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp và một số Bộ, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu khai mạc phiên họp.
Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng: hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; ưu tiên đầu tư nhanh, đi trước một bước. Đồng thời, khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các dịch vụ: Trung tâm dữ liệu; Điện toán đám mây và Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) nhận được sự quan tâm của nhiều ý kiến của các ĐBQH. Một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo Luật đối với những nội dung mở rộng, tránh sự trùng lặp, chồng chéo…. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng cần cân nhắc về mức độ quản lý cho phù hợp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm chặt chẽ, khả thi và hạn chế việc tăng chi phí của doanh nghiệp và phù hợp với cam kết quốc tế.
Các đại biểu dự phiên họp.
Để có cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông - đơn vị Chủ trì soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan và đại diện các doanh nghiệp để hoàn thiện dự án Luật.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung phiên họp.