CẦN QUY ĐỊNH RÕ KHUNG PHÁP LÝ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI PHƯƠNG TIỆN MỚI, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THÔNG MINH

11/07/2023

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Đường bộ sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Quan tâm tới dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Đường bộ đồng thời, kiến nghị cần quy định rõ khung pháp lý đối với các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh...

QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023

Dự án Luật Đường bộ được xây dựng đảm bảo các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10; đã được tiếp tiếp thu, giải trình và chỉnh lý hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV,...

Ngày 02/6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, theo đó dự án Luật Đường bộ sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 02 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.

Quan tâm tới dự luật, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Các ý kiến chuyên gia cũng lưu ý, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông đường bộ; ...

Góp ý cụ thể vào quy định tại dự thảo luật, PGS. TS Nguyễn Thị Hoan - Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, hiện nay nhằm bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp đang hướng tới sản xuất phương tiện giao thông công nghệ mới như công nghệ Điện khí hóa,Công nghệ đang làm cho ô tô di chuyển thông minh hơn và trải nghiệm trên ô tô cũng thay đổi theo. Dùng bảng điều khiển để điều khiển phương tiện giao thông. Ô tô bay và Các phương tiện vận tải khác.

Do đó, theo PGS, TS Nguyễn Thị Hoan vấn đề đặt ra là những phương tiện này chưa có mặt tại Việt Nam nên việc quy định về tên phương tiện giao thông công nghệ mới hoặc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với loại phương tiện này đang là vấn đề đặt ra cho Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy cần có khảo sát để ban hành quy định phù hợp.

PGS. TS Nguyễn Thị Hoan - Học viện Cảnh sát nhân dân

Tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Đường bộ, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Trưởng khoa VTKT – Trường đại học Giao thông vận tải kiến nghị, cần cụ thể hơn với từng tuyến đường và loại phương tiện lưu thông, mật độ lưu thông, tốc độ lưu thông (ban hành thông tư riêng) như hiện nay Theo Thông tư 31/2019/TT-BGTVT tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới khi tham gia giao thông, có thể bổ sung những trường hợp cắm biển báo hạn chế tốc độ nơi lưu thông qua chợ, trường.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cũng đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích thế nào là: Đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải; Đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ dịch vụ vận tải; Vận tải công cộng; Giao thông; Hoạt động giao thông; Giao thông thông minh, phương tiện giao thông thông minh....

Đồng thời, Dự thảo cần chú trọng tới các vấn đề khác có liên quan như: Vận tải hàng hóa; Vấn đề hợp tác quốc tế; Quy định rõ các nội dung về vận chuyển hàng hóa, hợp đồng vận chuyển, tình trạng hàng hóa và quy định trách nhiệm của tập thể, cá nhân người vận chuyển. Ngoài ra, cần quy định cụ thể về vận tải đa phương thức và các cơ chế chính sách phát triển loại hình dịch vụ này. Dự thảo cũng cần quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người vận tải đường bộ và quy định giới hạn miễn trách cho người vận tải đường bộ cũng cần phải được luật hóa trong văn bản pháp luật này.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền

Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, tại Khoản 2 Điều 6 có nội dung: "ưu tiên phát triển giao thông thông minh". Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, trong Chương II: kết cấu hạ tầng giao thông không thấy nói gì về nội dung này. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Luật nội dung về triển khai giao thông thông minh như: vấn đề điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh; kiểm soát tải trọng xe bằng công nghệ cân tự động; hình thành dữ liệu, xử phạt nguội...

Đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào chương III: phương tiện giao thông đường bộ nội dung quy định về lộ trình chuyển đổi phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 để các đơn vị vận tải có kế hoạch đầu tư phương tiện hợp lý trong thời gian tới. Trường hợp chưa quy định cụ thể được thì giao cho Chính phủ quy định.

Nêu thực trạng, hiện nay có tình trạng các bến xe tại các đô thị ngày càng bị đẩy ra xa, gây khó khăn trong kết nối giữa vận tải với hành khách; kết nối giữa các phương thức vận tải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đề nghị bổ sung vào Điều 80 nội dung: “Bến xe được bố trí ổn định, ở những nơi thuận tiện trong việc kết nối giữa vận tải ô tô với các phương thức vận tải; giữa vận tải theo tuyến cố định với vận tải xe buýt, và giữa vận tải hành khách”.

Nguyên Uỷ viên Thường trực, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng 

Bày tỏ nhất trí việc xây dựng Luật riêng với tên gọi dự án Luật là Luật Đường bộ, nguyên Uỷ viên Thường trực, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. “Ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng...”, - Nguyên Uỷ viên Thường trực, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng Nguyên cho biết.

Liên quan đến quy định về đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nguyên Uỷ viên Thường trực, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, so với Luật 2008, dự thảo đã bổ sung quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cũng đề nghị cần có sự thống nhất với khái niệm của Luật đất đai. Hiện tại thì Luật đất đai gọi chung là đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn gồm: đất xây dựng các hệ thống giao thông...

Ngoài ra, các ý kiến chuyên gia cũng lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến: Vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng; Dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ; Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Lê Anh