CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: TẠO THUẬN LỢI TỐI ĐA CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

10/07/2023

Phát biểu kết luận tại phiên họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của Ủy ban Pháp luật, sáng 10/7, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và cho rằng các quy định lần này cần kế thừa, phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được giai đoạn trước, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện tại các đại phương.

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 16 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT: TÁN THÀNH TRÌNH UBTVQH XEM XÉT THÔNG QUA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2023-2030 THEO QUY TRÌNH RÚT GỌN

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 16

Phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Pháp luật tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Căn cứ nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan trung ương, trong giai đoạn 2019 – 2021 cả nước đã tiến hành sắp xếp 21 đơn vị hành chính  cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính  cấp xã, kết quả đã giảm được 08 đơn vị hành chính  cấp huyện và 561 đơn vị hành chính  cấp xã. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 và ban hành Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, trong đó giao Đảng đoàn Quốc hội kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương theo đề nghị của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp

Trước đó, tại phiên họp thứ 23 (tháng 5/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và ban hành thông báo kết luận về định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Ngày 03/7, Đảng đoàn Quốc hội để cho ý kiến về một số nội dung lớn của dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan đã rà soát, nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị quyết

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 và tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành và trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết, về các nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện; việc áp dụng pháp luật.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ, nhất là Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương tiếp thu hoàn chỉnh hồ sơ và có báo cáo giải trình cơ bản làm rõ những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo.

​Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng báo cáo làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm

Ủy ban Pháp luật thống nhất cao về sự cần thiết và nhấn mạnh sự cấp bách, khẩn trương để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết này để kịp thời thể chế hóa và thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành cao với việc ban hành Nghị quyết theo trình tự thủ tục rút gọn. Hồ sơ dự thảo nghị quyết bảo đảm đầy đủ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung của dự thảo nghị quyết. Về phạm vi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung dự thảo Nghị quyết, bên cạnh đó có một số ý kiến đề nghị có thêm nghiên cứu, đánh giá để có đề xuất cụ thể về hướng xử lý đối với một số đơn vị hành chính có diện tích đáp ứng yêu cầu nhưng quy mô dân số lại rất lớn hay một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô dân số ít nhưng diện tích tự nhiên lại rất lớn để bảo đảm có sự sắp xếp phù hợp ở giai đoạn sau đáp ứng yêu cầu quản lý tăng cường hiệu lực hiệu quả trong quản lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Về cơ bản các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của đơn vị hành chính sau sắp xếp. Nhất là đối với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Theo đó, ngoài tiêu chuẩn về diện tự nhiên, quy mô dân số, khi thực hiện nhập, điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn thì khu vực dự kiến sắp xếp phải được phân loại đạt tiêu chí của đô thị tương ứng; đối với quận, phường thì khu vực dự kiến sắp xếp phải có quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận việc đạt tiêu chuẩn hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Quy định như dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đúng yêu cầu về chất lượng đô thị tại Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị phù hợp với kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 23.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý rà soát các quy định có liên quan đến yếu tố đặc thù để bảo đảm đầy đủ, phù hợp, tránh vướng mắc sau này như quy định về nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (khoản 4 Điều 2 dự thảo Nghị quyết), tại điểm c khoản 1 Điều 3 về trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính; tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định trường hợp đã thực hiện sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề nhưng do có các yếu tố đặc thù về văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, điều kiện địa lý tự nhiên, không thể nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cùng cấp khác mà đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp vẫn không đạt đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính, Chính phủ trình có 2 phương án tổng thể theo hai giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030. Có ý kiến đề nghị cần có phương án tổng thể chung cho cả giai đoạn 2023-2030, trong trường hợp vẫn duy trì 2 phương án thì khi tiến hành giai đoạn đầu cần tính đến các yếu tố của giai đoạn sau để bảo đảm cho cả hai giai đoạn có sự gắn kết, nhịp nhàng, đáp ứng mục tiêu theo Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cũng tại phiên họp, có ý kiến cho rằng, yêu cầu đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính là phải phù hợp với quy hoạch và các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định là cần thiết. Tuy nhiên do hiện nay số lượng các địa phương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị còn rất ít và thủ tục thực hiện đánh giá, phân loại đô thị cần khá nhiều thời gian, nên việc bảo đảm thực hiện mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 và bảo đảm mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đã đề ra sẽ là thách thức lớn. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm rà soát bảo đảm sắp xếp đơn vị hành chính đưa vào quy hoạch, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành kịp thời có hướng dẫn chỉ đạo bảo đảm hoàn thành mức cao nhất mục tiêu đã đề ra.

Về kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, dự thảo Nghị quyết quy định kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm; đồng thời ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương nhận bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030.

Các đại biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ghi nhận quy định này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm quy định phù hợp với Kết luận số 48-KL/TW, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và bảo đảm hoạt động chi tiêu. Bên cạnh đó cũng còn một số ý kiến băn khoăn do chưa rõ nhiệm vụ chi và định mức, cách thức quản lý, thực hiện chi, thanh quyết toán đối với khoản ngân sách hỗ trợ này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các địa phương trong sắp xếp đơn vị hành chính. Thực tiễn trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn ngân sách thực hiện. Do đó nếu có được quy định của pháp luật, quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có được giải pháp, tạo thuận lợi, khuyến khích và tạo động lực cho các địa phương thực hiện sắp xếp, nhất là ở những nơi còn nhiều khó khăn về ngân sách, chưa bảo đảm tự cân đối.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu quy định rõ việc về định mức phân bổ ngân sách đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp; về mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương được bổ sung cân đối ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Mặt khác qua tính toán tổng thể khoản kinh phí này bảo đảm phù hợp với khả năng của ngân sách trung ương trong điều kiện hiện nay. Với mỗi địa phương khó khăn thì việc bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã là điều rất đáng quý. Tuy nhiên để bảo đảm đi đến thống nhất, đồng thuận cao, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp để có báo cáo giải trình làm rõ bằng văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý để việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được hiệu quả, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung trong Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này một số nội dung như trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ các vướng mắc trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 và hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; hướng dẫn cụ thể về thời hạn, lộ trình thực hiện việc sắp xếp để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương chuẩn bị và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn được giao trong Nghị quyết này để làm cơ sở cho các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện sau khi Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Bảo Yến