CẦN BỐ TRÍ NGUỒN LỰC ĐỂ DI DÂN RA KHỎI KHU VỰC 1 DI TÍCH
Đây là một vấn đề đặt ra trong quá trình quản lý bảo tồn và phát huy di sản tại tỉnh Quảng Nam, cũng là kiến nghị của BQL các khu di sản với đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong các cuộc làm việc với địa phương.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam
Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 2 Di sản thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; có 451 di tích được xếp hạng, gồm: 4 di tích quốc gia đặc biệt, 64 di tích quốc gia và 383 di tích cấp tỉnh.
Hệ thống di tích trên địa bàn gồm đầy đủ các loại hình: lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 161 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1 di sản (Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam) được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mặc dù các cấp, ngành tỉnh Quảng Nam quan tâm đến công tác đầu tư, tu bổ, nhưng do thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ nên hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh luôn có nguy cơ bị hư hại, xuống cấp, nhất là đối với các di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Trong khi đó nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư tu bổ di tích còn nhiều hạn chế. Do chưa thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam, việc xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy di sản Quảng Nam rất được quan tâm.
Theo ông Hồ Xuân Ring, Phó Giám đốc BQL Di tích và danh thắng Quảng Nam, trước năm 2010, Quảng Nam chưa có cơ chế hỗ trợ trùng tu di tích, đặc biệt là di tích cấp tỉnh, ngoại trừ đối với di tích Quốc gia thì nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ trùng tu cấp thiết cho di tích cấp tỉnh, kéo dài 5 năm, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 15 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, điểm tích cực là đã huy động được nguồn xã hội hóa thêm được 16 tỷ đồng. Từ hiệu quả đạt được, giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh tiếp tục phát triển đề án, đến giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ đề án 91 tỷ đồng, và kỳ vọng nguồn xã hội hóa cũng sẽ tăng tương ứng. Và trong quá trình triển khai, nhà nước vẫn quản lý trực tiếp, tỉnh có thể phân cấp ủy quyền cho các cấp đầu tư, các di tích đều tuân thủ theo quy tắc trùng tu và luật di sản văn hóa.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát tại Thánh địa Mỹ Sơn
Với Khu đền tháp Mỹ Sơn, nơi đây có vị trí thuận lợi để bảo tồn do tách biệt với khu dân cư. Công tác trùng tu được thực hiện chủ yếu từ nguồn hợp tác quốc tế như UNESCO, Ấn Độ, Italia. Hằng năm, lượt khách tham quan di sản tăng trưởng cao, 6 tháng đầu năm 2023, khu di sản Mỹ Sơn thu gần 29 tỷ đồng.
Theo BQL Di sản thế giới Mỹ Sơn, năm 2022, tỉnh Quảng Nam tính phương án đấu thầu để giao cho tư nhân đầu tư hoá bảo tồn và phát huy giá trị Thánh địa Mỹ Sơn, sau đó đã không thể thực hiện.
"Việc xã hội hóa di sản đặc biệt di sản văn hóa thế giới thì việc xã hội hóa như thế nào đến đâu, với quan điểm bảo tồn phải là nhà nước, phát huy di sản là xã hội hóa để có nguồn lực”, ông Phan Hộ, Trưởng ban BQL Di sản thế giới Mỹ Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Hộ, điều 57 Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định việc khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên chưa có các hướng dẫn chi tiết cụ thể, điều này cần được quan tâm trong thời gian tới, khi các cơ quan nghiên cứu sửa đổi luật di sản văn hóa.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, một khi xã hội hóa, yếu tố kinh tế sẽ được nâng lên, nên cần có cơ chế quản lý phù hợp để tránh tổn hại các di sản, di tích.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, theo kinh nghiệm quốc tế, có thể cho tư nhân hóa di sản như Campuchia, hay đề cao vai trò nhà nước quản lý như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay nhiều nước Châu Âu, chỉ xã hội hóa trong dịch vụ, phát huy di tích. Đồng thời, các nước thường ưu tiên huy động bằng lao động trí tuệ và lao động phổ thông hỗ trợ cho công tác tu bổ chứ không đơn thuần bằng tiền mặt. Do đó, đối với Việt Nam, cần nhấn mạnh đến đặc điểm, bản chất của di sản để quyết định xem sẽ quản lý di sản như thế nào, tránh máy móc, áp dụng thống nhất mô hình quản lý nhưng không phù hợp.
Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho biết, hiện các quy định thì đã có nhưng để áp dụng thực tế còn vướng mắc, bất cập. Trong quá trình sửa đổi luật di sản văn hóa, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên ngành, khi trình Quốc hội sẽ nghiên cứu kỹ, tìm phương án tốt nhất để thực hiện xã hội hóa. “Xã hội hóa phải có điều kiện, bảo vệ tốt di sản, có hình thức nội dung huy động các nguồn lực đảm bảo đúng quy định, đúng chính sách nhà nước. Bên cạnh đó phát huy vai trò nhà nước, vừa phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, vừa giữ được giá trị di tích”, Ông Phan Viết Lượng nhấn mạnh.
Để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, ngoài sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân cần nâng cao nhận thức trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa; các địa phương cần gắn kết việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với việc xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái, đời sống văn hóa cộng đồng.