HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV: CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG NỘI DUNG, CÁCH THỨC TỔ CHỨC BẢO ĐẢM THIẾT THỰC

06/07/2023

Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức cho Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, chiều 5/7, các ý kiến đều khẳng định đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ, cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có cách làm thiết thực để hội nghị này trở thành hình mẫu cho các lần tổ chức về sau.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CHUẨN BỊ CHU ĐÁO, KHẨN TRƯƠNG CHO HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức cho Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tổ chức hội nghị để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp trong Quý III/2023, đồng thời rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức hội nghị này. Cùng với đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội triển khai nhiều công việc, họp bàn trao đổi, thống nhất về công tác chuẩn bị nội dung và điều kiện bảo đảm để tổ chức thành công hội nghị.

Đánh giá cao chủ trương thực hiện và việc chuẩn bị tổ chức hội nghị quan trọng này, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng đây là một trong những điểm mới của Quốc hội khóa XV. Đồng thời nhấn mạnh hội nghị có hai mục đích quan trọng. Đây là một trong những biện pháp để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan dân cử và Nhân dân giám sát từ sớm, từ xa, giám sát cả về việc thực hiện kế hoạch và những vấn đề về mặt nội dung. Hội nghị cũng tạo cơ sở chính trị pháp lý để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan tổ chức các hội nghị triển khai. Điều quan trọng nhất là sau hội nghị này sẽ thống nhất được cả phương pháp và nội dung để tổ chức triển khai ở các địa phương của các bộ, ngành.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại cuộc họp

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng đặt vấn đề về thời gian tổ chức,  bao lâu thì tổ chức một lần, 6 tháng hay hàng năm hay giữa nhiệm kỳ. Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng sau hội nghị cần có kết luận phải tập trung vào việc quán triệt nội dung, phương thức và giao nhiệm vụ, yêu cầu thực hiện các nội dung giám sát việc thực hiện. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan báo cáo và Quốc hội có cơ sở đánh giá việc thực hiện.

Từ đó, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đề nghị nội dung của hội nghị phải xác định được trọng tâm các luật, nghị quyết, pháp lệnh phải triển khai; đề nghị cần quan tâm giám sát các nghị định “không đầu” (tức các nghị định quy định những vấn đề mới, những vấn đề chưa có luật điều chỉnh). Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh ngay từ khi mà bắt đầu triển khai luật và các nghị quyết cần yêu cầu tất cả các địa phương và bộ ngành, Chính phủ phải phát hiện các vấn đề vướng mắc phát sinh hoặc vấn đề mới cần phải điều chỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh yêu cầu tổ chức để hội nghị trở nên thiết thực. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng để bảo đảm cụ thể, công tác chuẩn bị cần rà soát lập danh mục các luật nghị quyết cần triển khai, trong đó loại trừ nghị quyết về nhân sự, nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về các nội dung đang tiến hành giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm rõ, các luật nghị quyết vừa mới thông qua tại Kỳ họp thứ 5 thì việc quán triệt triển khai sẽ khác so với các luật, nghị quyết được thông qua ở các kỳ họp trước. Theo đó, cần xác định luật có hiệu lực chưa, có hiệu lực rồi thì văn bản hướng dẫn quy định chi tiết đã đầy đủ, đồng bộ chưa; xác định trong luật có bao nhiêu điều giao Chính phủ quy định chi tiết và đến nay việc ban hành đến đâu, còn nợ những văn bản nào chưa ban hành... Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh vấn đề nổi lên hiện này là việc thiếu văn bản hay văn bản ban hành ra nhưng khác với Luật hoặc chưa đủ cụ thể và vẫn khó thực hiện thì giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới như thế nào. Đây là những nội dung cần được xác định trong đề cương để các cơ quan chuẩn bị báo cáo gửi đến hội nghị. Có như vậy mới bảo đảm thiết thực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Đối với các luật, nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 cần xác định những việc phải làm, bao nhiêu văn bản hướng dẫn, bao nhiêu nghị định, thông tư, quyết định, trung ương làm gì, địa phương làm gì và lộ trình như thế nào, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu gợi ý.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, một trong những nội dung cần được gắn kết với hội nghị lần này là việc triển khai Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024 và bổ sung năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản phân công cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Việc tiếp theo là Thủ tướng Chính phủ phải ký văn bản phân công các cơ quan ở bên Chính phủ và lộ trình của Chính phủ là gắn với lộ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý đến luật trình tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, tiếp tục triển khai đối với những dự án luật đã được Quốc hội thảo luận. Đối với những dự án trình lần đầu phải rà soát bảo đảm tiến độ, đúng quy trình.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý chủ trương chung của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Chủ tịch Quốc hội đã có chỉ đạo, phân công về rà soát pháp luật để khắc phục hai tình trạng. Một là làm sai, làm không được thì “đổ lỗi” do luật nhưng sau khi rà soát thì vấn đề là do văn bản dưới luật. Hai là cho rằng luật lệ tốt, tất cả do tổ chức thực hiện, nên không phải sửa. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, để làm được điều này phải rà soát và rà soát phải tập trung vào các khâu trọng tâm như Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ tập trung rà soát và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Do đó, đề nghị Chính phủ có chương trình, kế hoạch để triển khai. Đây là vấn đề sẽ đưa vào nội dung chương trình của hội nghị để gắn chương trình xây dựng pháp luật với việc tiếp tục rà soát các quy định để phát hiện những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Nếu cần sửa đổi luật thì phải đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Nếu cần sửa đổi Nghị định thì phải đưa vào chương trình xây dựng nghị định, nghị quyết của Chính phủ hay chương trình kế hoạch ban hành thông tư của các bộ, ngành.

Cùng với đó là Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát các văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, tập trung giám sát vào các văn bản có tác động đến việc kinh tế hiện tăng trưởng thấp, những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm, không dám làm, kỷ luật, kỷ cương công vụ… để kịp thời kiến nghị sửa đổi ngay những nội dung bất hợp lý, không đợi đến cuối kỳ mới báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng không nên tham vọng nội dung nhiều, rộng, cần tập trung và có danh mục cụ thể; do đó đề nghị Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Pháp luật bàn thảo, tính toán để xác định danh mục các luật nghị quyết. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hội nghị lần này nếu phối hợp tổ chức tốt sẽ trở thành hội nghị mẫu để tiến hành về sau. Dẫn chứng thực tế việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết các luật như Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hay Luật Điện ảnh từ khi luật được ban hành đến nay còn rất chậm. Do đó, hội nghị cũng là dịp để “đánh động” trong toàn quốc để thấy được sự quan tâm triển khai luật, nghị quyết sau khi được ban hành, để không còn tình trạng làm luật kĩ lưỡng từng câu chữ nhưng đến khi luật ban hành thì lại chậm nghị định, chậm thông tư, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Bảo Yến