Tranh luận tại nghị trường cũng như các diễn đàn là một hình thức trao đổi ý kiến không thể thiếu, thể hiện tính dân chủ và văn minh. Yêu cầu đặt ra với người tranh luận là phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các quan điểm, đưa ra lập luận, sở cứ khoa học xác đáng nhằm làm rõ vấn đề được nêu. Vì vậy, tranh luận giúp đi đến cùng vấn đề cũng như sẵn sàng chấp nhận có những quan điểm không được nhiều người đồng tình. Tranh luận thường thể hiện những tư duy mới, hướng tới những giá trị mới,..
Quyền tranh luận là vấn đề mới xuất hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Tác dụng tích cực của tranh luận đã được thừa nhận. Do đó, tại Quốc hội khóa XV, phương thức tranh luận tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh, Vừa qua, tại kỳ họp thứ 5, hoạt động tranh luận được tăng cường với 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận tại Hội trường và 49 lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khác với chất vấn là hình thức hoạt động giám sát, tranh luận đơn thuần là một phương thức thể hiện chính kiến của đại biểu Quốc hội trong hoạt động tại nghị trường. Tranh luận có thể gắn với hoạt dộng chất vấn, cũng có thể được sử dụng trong hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng khi thảo luận tại các cuộc họp được tổ chức trong kỳ họp như: họp tổ, họp của của các cơ quan của Quốc hội, họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và các phiên họp toàn thể.
Nhấn mạnh tranh luận được sử dụng như một công cụ bổ trợ hữu hiện trong hoạt động chất vấn và thảo luận, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh lưu ý, cần phân biệt tranh luận trong hoạt động chất vấn và trong thảo luận.
Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, chất vấn và trả lời chất vấn là một hình thức của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, thông qua đó, những người bị chất vấn có trách nhiệm giải trình về những vấn đề thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình trước đại biểu Quốc hội và Quốc hội. Đại biểu Quốc hội khi thấy việc giải trình chưa thuyết phục thì chất vấn tiếp hoặc tranh luận lại. Như vậy, tranh luận trong hoạt động chất vấn diễn ra giữa đại biểu Quốc hội và người được chất vấn, không phải tranh luận giữa cá đại biểu Quốc hội với nhau. Trong khi đó, trong quá trình thảo luận các dự án Luật hoặc các vấn đề được trình Quốc hội quyết định, các đại biểu Quốc hội có thể tranh luận với cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra hoặc với các đại biểu khác để bày tỏ, bảo vệ quan điểm của mình. Trong trường hợp này, tranh luận chính là quá trình thảo luận sâu, nhất là đối với các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau để Quốc hội đi đến quyết định có sức thuyết phục nhất.
Theo dõi hoạt động của Quốc hội, PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới. Trong đó, yếu tố tranh luận ngày càng được tăng cường, thể hiện rõ nét tính dân chủ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.
Cho rằng, tranh luận là phương thức thực hành dân chủ để đạt được sự đồng thuận cao, PGS. TS Doãn Hồng Nhung bày tỏ kỳ vọng, hoạt động tranh luận sẽ tiếp tục được tăng cường tại các phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp, tạo nên văn hóa nghị trường. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện rõ quan điểm, làm rõ, sâu sắc hơn vấn đề được nêu chứ không chỉ là để biết thêm thông tin. Trong quá trình tranh luận, các vị đại biểu cũng sẽ chỉ tranh luận với tư cách là đại diện cho cử tri chứ không phải với tư cách là người đại diện cho ngành/địa phương nơi phát sinh vấn đề tranh luận.
Trực tiếp tham gia hoạt động nghị trường và nhiều lần giơ biển tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tranh luận thực sự giúp cho không khí nghị trường trở nên sôi nổi, hấp dẫn hơn. Đặc biệt, mục tiêu cuối cùng của tranh luận chính là làm sáng rõ vấn đề được nêu từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp, hiệu quả. Ðây là một bước tiến đáng ghi nhận trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, các dự thảo luật hay vấn đề quan trọng khi được Quốc hội đưa ra thảo luận, chất vấn, nếu không có người phản biện, tranh luận quyết liệt, chưa chắc nội dung, vấn đề đó đã hoàn thiện. “Có nhiều tiếng nói phản biện, tranh luận thì cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và QH càng nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn, đa chiều hơn để hoàn chỉnh tốt hơn”, đại biểu Phạm Văn Hòa lý giải.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp khẳng định, đại biểu Quốc hội phát biểu hay tranh luận tại các phiên thảo luận hay chất vấn đều xuất phát từ vai trò đại diện cho cử tri, với mong muốn đóng góp vì lợi ích chung, chứ không phải tư lợi. “Tôi luôn tâm niệm phải phát biểu thẳng thắn, khách quan, vì mục đích cao nhất là đảm bảo cho các dự án luật, chính sách sau khi được ban hành sẽ phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống của người dân; phù hợp với đời sống, sinh hoạt của người dân, …”, đại biểu chia sẻ.
Tranh luận đã và đang ngày càng đổi mới và phát huy tác dụng trên thực tiễn, thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội. Để tiếp tục nâng cao chất lượng tranh luận, bên cạnh năng lực, bản lĩnh của đại biểu Quốc hội, cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa quy trình, thủ tục liên quan tới hoạt động tranh luận tại nghị trường./.