KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NHIỀU PHÁT MINH, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT

28/06/2023

Chất vất Tư lệnh ngành Khoa học, công nghệ tại Kỳ họp thứ 5, một số đại biểu đề nghị cần có giải pháp khuyến khích phát triển được nhiều phát minh, sáng chế từ các công trình khoa học, nghiên cứu ở trong nước; đồng thời có giải pháp để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (SỬA ĐỔI)

Nhiều ngành, lĩnh vực đã ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong những năm vừa qua, hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ (KH&CN) tiên tiến vào cuộc sống ngày càng được hoàn thiện, quy định tại các Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ,...và các văn bản hướng dẫn thi hành

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực KH&CN, tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ KH&CN đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030, theo định hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KH,CN& Đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản: Đã làm chủ nhiều công nghệ được áp dụng có hiệu quả như công nghệ sấy bảo quản nông sản, giảm tổn thất xuống dưới 10% rau quả; công nghệ sấy lúa bảo quản lên tới 12 tháng; làm chủ công nghệ tiên tiến và chế tạo thiết bị chế biến rau quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao trong chế biến tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng từ phế liệu thủy sản; nhiều dây chuyền, hệ thống thiết bị đồng bộ trong chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Lĩnh vực lâm nghiệp: Triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của ngành như công nghệ sinh học, giống cây rừng, chế biến lâm sản, trồng rừng,…. Kết quả nghiên cứu đã đóng góp tích cực vào các thành tựu chung của ngành về nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, tăng giá trị xuất khẩu lâm sản...góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Lĩnh vực thủy sản: Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã góp phần điều chỉnh hợp lý cơ cấu nuôi trồng thủy sản với nhiều kết quả nổi bật. Đã xây dựng và hoàn thiện các quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo nhiều đối tượng mới có giá trị kinh tế, thuộc nhóm các đối tượng chủ lực. Các giống mới, quy trình công nghệ tiên tiến được công nhận tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao thành công vào sản xuất. Việc chuyển giao giống với số lượng lớn cho cơ sở sản xuất và các kỹ thuật thâm canh trong nuôi trồng thủy sản đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy và ổn định sản xuất ở nhiều địa phương, vùng miền.

Lĩnh vực trồng trọt: Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tập trung vào ứng dụng các công nghệ mới (công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin) trên các đối tượng cây, con chủ lực. Chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2030 cũng đang được tích cực triển khai. Đã điều tra đánh giá vùng trồng và bộ giống thích hợp phục vụ cho việc mở rộng sản xuất hàng hóa của các cây ăn quả chủ lực ở từng vùng trọng điểm; xây dựng và ban hành 14 quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp thích hợp cho từng vùng; công nhận tiến bộ kỹ thuật cấp Bộ đối với 25 quy trình, các quy trình được công nhận đều hướng tới việc sử dụng hiệu quả vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn

Lĩnh vực chăn nuôi - thú y: Đã công nhận được gần 60 tiến bộ kỹ thuật về dòng giống vật nuôi cho năng suất và chất lượng tốt; sản xuất được 7.500 liều vắc xin nhị giá vô hoạt có bổ trợ keo phèn phòng bệnh đường hô hấp cho lợn do vi khuẩn H. parasuis và vi khuẩn B. bronchiseptica gây ra; làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ công tác chọn, tạo giống, nhân giống vật nuôi, phục tráng, bảo tồn và khai thác, phát triển các giống vật nuôi bản địa.

Lĩnh vực công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và bảo vệ môi trường: Các thành tựu về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả chọn tạo, nhân nhanh các giống cây trồng, vật nuôi; tạo các chế phẩm sinh học phục vụ phát triển một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, an toàn, bền vững. Đẩy nhanh tiến độ chẩn đoán, xác định các tác nhân gây các bệnh, dịch mới nguy hiểm trong nông nghiệp tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp sinh học. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Đã có hàng trăm chế phẩm sinh học được ứng dụng vào thực tế đời sống và sản xuất

Khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp cao chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm

Đưa ra vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Minh – Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng nêu rõ, kết quả từ nghiên cứu khoa học đưa vào sản xuất, kinh doanh luôn tồn tại rủi ro, các sản phẩm không cạnh tranh được với những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Việc sử dụng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo dễ bị vi phạm các quy định của pháp luật về tài chính và đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có quan điểm và giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề tương quan của các chính sách pháp luật có liên quan để khuyến khích phát triển được nhiều phát minh, sáng chế từ các công trình khoa học, nghiên cứu ở trong nước?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Cũng quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nêu rõ, qua Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số doanh nghiệp lớn, trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân luôn rất cần ứng dụng công nghệ cao, những kỹ thuật mới để sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, đạt chất lượng, đạt hiệu quả.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của vấn đề trên, giải pháp sắp tới của Bộ như thế nào để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được phổ biến rộng khắp ruộng vườn, nương rẫy, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân?

Cùng mối quan tâm, đại biểu Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh băn khoăn về câu chuyện phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Đại biểu cho biết, thực tế có một sản phẩm kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi có tên là Paylean, Bộ Y tế cho phép tồn dư ở trong thịt, Bộ Nông nghiệp lại không cho phép sử dụng sản phẩm này trong thức ăn chăn nuôi, nhưng Bộ Công Thương lại cho phép nhập thịt bò có chất này. Đại biểu đề nghị cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN trong đó tập trung sửa đổi bổ sung Luật KH&CN, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử…

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự đồng bộ, hài hòa của hệ thống pháp luật KH&CN với hệ thống pháp luật về thuế, đầu tư, đầu tư công, các quy định về mua sắm công nhằm tạo động lực khuyến khích cho việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới, phát triển công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt 

Đồng thời, áp dụng thí điểm một số chính sách, mô hình hỗ trợ để đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Tăng cường xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp. Sửa đổi và hoàn thiện các quy định về tài chính để doanh nghiệp có thể huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong đó có các cơ chế, chính sách ưu tiên các dự án công nghệ cao có đi kèm lộ trình bảo đảm thực hiện việc chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, cá nhân người nước ngoài cho các doanh nghiệp của Việt Nam theo các cam kết FTA cũng như tăng dần tỷ lệ thực hiện các hoạt động đầu tư cho nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như có trách nhiệm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng khi đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật của sản phẩm.

Ngoài ra, tăng cường hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm tiếp cận các nguồn cung công nghệ trong nước và nước ngoài; tăng cường khả năng hấp thụ, làm chủ và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hồ Hương

Các bài viết khác