CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ HỘI ĐÀM VỚI CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THỤY SĨ: TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN LẬP PHÁP TRONG THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM - THỤY SĨ

28/06/2023

Sáng 28/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì lễ đón chính thức và có cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ (Chủ tịch Hạ viện) Martin Candinas. Tại hội đàm, hai bên thống nhất nhận định tiềm năng hợp tác hai nước là rất lớn. Do đó, hai cơ quan lập pháp hai nước cần tăng cường trao đổi chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, hoàn thiện thể chế phát triển; phát huy vai trò của nghị viện trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, sớm ký kết Hiệp định Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ LỄ ĐÓN CHÍNH THỨC CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THỤY SĨ MARTIN CANDINAS

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THỤY SĨ MARTIN CANDINAS ĐẾN HÀ NỘI, BẮT ĐẦU THĂM CHÍNH THỨC VIỆT NAM

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ (Chủ tịch Hạ viện) Martin Candinas tại Nhà Quốc hội

Việt Nam là đối tác chiến lược của Thụy Sĩ trong khu vực Đông Nam Á

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas cùng Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Thụy Sĩ thăm chính thức Việt Nam thể hiện sự coi trọng của Thụy sĩ đối với quan hệ hai nước nói chung và quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp

Nêu rõ, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của chuyến thăm, là dịp để hai bên thêm gần gũi, tăng cường hiểu biết toàn diện sâu sắc hơn, cùng đánh giá những kết quả đã đạt được, trao đổi phương hướng đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Thụy Sĩ và đề ra những phương cách hợp tác mới tăng cường quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, trong chuyến thăm lần này cùng với các hoạt động tiếp xúc cấp cao, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ cùng các đại biểu trong Đoàn sẽ như trở về nhà, trải nghiệm nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas

Bày tỏ vinh dự khi lần đầu tiên sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas gửi lời cảm ơn và bày tỏ vui mừng trước sự tiếp đón thịnh tình, trọng thị, chu đáo của Quốc hội Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đã dành cho Đoàn, ngay từ khi đặt chân xuống sân bay.

Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas nêu rõ, Thụy Sĩ là một trong những nước đầu tiên của Tây Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cho đến nay, quan hệ Việt Nam – Thụy Sĩ hiện đang phát triển tốt đẹp, hai bên không chỉ hợp tác chặt chẽ cả song phương và cả đa phương. Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác hai giữa hai nước.

Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas cho biết trọng tâm chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ là luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược trong khu vực Đông Nam Á và chuyến thăm lần này của Đoàn tiếp tục khẳng định và thực hiện chính sách đó. Chia sẻ ấn tượng trước sự vươn lên phát triển vượt bậc và hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong vài thập kỉ qua, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ vui mừng khi qua chuyến thăm lần này sẽ có thêm thời gian tìm hiểu sâu hơn sự phát triển của Việt Nam và về sự hợp tác giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ (Chủ tịch Hạ viện) Martin Candinas

Cùng sát cánh, hỗ trợ nhau trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Trong không khí cởi mở, thân tình, hai bên đã thông tin cho nhau về tình hình của mỗi nước và phương hướng nhằm tăng cường hơn nữa, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.

Khái quát về tình hình Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam bắt đầu sự nghiệp đổi mới vào năm 1986 đến nay mới 37 năm thực sự tập trung xây dựng phát triển đất nước. Từ một đất nước hoang tàn, đổ nát sau chiến trang, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một trong những nước hoàn thành sớm nhất các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; đồng thời là một trong những quốc gia đầu tiên cập nhật các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào chương trình phát triển của Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc hội đàm

Từ một đất nước nghèo đói, đến nay, Việt Nam vươn lên có quy mô GDP nằm trong top 38 thế giới, và nếu tính theo sức mua tương đương thì Việt Nam còn có thứ bậc cao hơn. Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu nằm trong top 20 thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt gần 750 tỉ USD, trong đó xuất khẩu nông sản đạt 54 tỉ USD. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài với gần 440 tỉ USD cam kết đầu tư nước ngoài từ 140 nước. Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, trong vòng 10 năm từ 2010 đến 2020 đã có 10 triệu người thoát nghèo, tỉ lệ giảm nghèo theo chuẩn đa chiều của Liên hợp quốc giảm từ 15% năm 2010 xuống còn 4% năm 2020 và đến nay còn thấp hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm hiện Việt Nam tập trung cho hai mục tiêu 100 năm. Đó là, đến năm 2030 khi kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 kỉ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cùng với đó, đến năm 2050, Việt Nam cam kết về đưa mức phát thải ròng bằng “0”.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội gửi lời cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân Thụy Sĩ đã luôn đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây cũng như trong công cuộc phát triển đất nước ngày ngày. Đặc biệt, cảm ơn Thụy Sĩ trong giai đoạn 1991 - 2021 đã dành cho Việt Nam hơn 600 triệu USD vốn ODA trở thành nguồn hỗ trợ to lớn cho Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đồ thị, giảm nghèo, phát triển nỗng thôn, cũng như vừa qua đã hỗ trợ thiết thực cho Việt Nam phòng chống dịch COVID-19. Nhờ nỗ lực trong nước và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát được đại dịch và bước vào phục hồi phát triển nhanh. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội đàm

Về quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dù trong bất cứ tình hình nào, kể cả trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp như hiện nay, Việt Nam luôn kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong đó, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ, tự hào sau hơn nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao (1971-2021), quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển tích cực toàn diện.

Để tăng cường quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp trên kênh Đảng, Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Mong muốn thúc đẩy quan hệ kênh Đảng với các đảng cầm quyền, tham chính ở Thụy Sĩ như Đảng Xã hội, Đảng Nhân dân, Đảng Lao động Thụy Sĩ. Đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và toàn cầu, ủng hộ nhau ứng cử vào các vị trí của Liên hợp quốc và diễn đàn quốc tế.

Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thụy Sĩ tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam về tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ du lịch...Chủ tịch Quốc hội cho hay, hiện này Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn thay đổi chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc và ưu tiên những ngành công nghệ cao thích hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Định hướng này của Việt Nam phù hợp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Thụy Sĩ.

Các đại biểu phía Việt Nam cùng dự hội đàm

Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas cho biết, Thụy Sĩ hoan nghênh các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chia sẻ Việt Nam và Thụy Sĩ có quan điểm tương đồng về việc không phát triển kinh tế bằng mọi giá, sự phát triển bền vững phụ thuộc rất nhiều vào việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ khẳng định Thụy Sĩ sẽ luôn quan tâm, sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để hai bên cùng đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Cho biết hơn 30 năm qua, Thụy Sĩ đã có các chương trình, dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng cường trong thời gian tới.

Đánh giá cao các kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trở thành một nước phát triển năng động trong khu vực và có môi trường đầu tư hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ quan tâm, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas cho rằng việc tăng cường hơn nữa hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại song phương sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác bền vững và năng động. Tin tưởng rằng kết quả hợp tác tích cực hiệu quả của hai bên trong thời gian tới sẽ góp phần vào thực hiện thành công các mục tiêu 100 năm của Việt Nam.

Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas tại cuộc hội đàm

Nhất trí với đề nghị cụ thể của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ cho biết Thụy Sĩ sẽ đẩy mạnh hợp tác và khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Cho biết hiện nay đang có khoảng 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động tại Việt Nam góp phần vào tạo công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng phát triển, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ cho rằng hoạt động của các doanh  nghiệp Thụy Sĩ không phải chỉ là hiện diện thương mại mà điều quan trọng là hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam và các địa phương của Việt Nam, hướng đến nâng cao khả năng cạnh tranh và nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp. Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ chia sẻ trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này Đoàn sẽ có gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp Thụy Sĩ để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp nhất là việc bảo đảm các điều kiện lao động của người lao động. Mong muốn trong quá trình hợp tác giữa hai bên sẽ góp phần vào nâng cao năng suất lao động, cải thiện tốt hơn các điều kiện lao động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp Thụy Sĩ, dù mới hơn 100 nhưng đã tạo nhiều việc làm, mang nhiều công nghệ hiện đại, tăng thu nhập người lao động và thể hiện trách nhiệm xã hội. Chủ tịch Quốc hội một lần nữa khẳng định cam kết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam về tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định và phát triển tại Việt Nam. Thực tế các quyết sách Quốc hội Việt Nam ban hành thời gian qua nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã mang lại nhiều thuận lợi, lợi ích cho các doanh nghiệp góp phần vào phát triển.

Các đại biểu Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Thụy Sĩ

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam và Thụy Sĩ là anh em hơn nửa thế kỉ thì không có vấn đề gì không thể bàn bạc, từ vấn đề song phương đến các vấn đề mang tính toàn cầu.

Khác thác tốt hơn tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, sớm kí kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Khối Mậu dịch tự do Châu Âu

Đặc biệt, tại hội đàm, hai bên dành nhiều sự quan tâm đến việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA).

Cho rằng tiềm năng đầu tư, trao đổi thương mại của hai nước còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên đa dạng hóa hơn về thị trường, hai bên cùng thúc đẩy thu hẹp khác biệt, sớm hoàn tất đàm phán, đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Khối Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA). Hiện nay, Việt Nam hiện đã ký 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Đánh giá cao vai trò quan trọng của Thụy Sĩ trong EFTA, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Thụy Sĩ thúc đẩy các thành viên khác sớm hoàn tất đàm phán, ký Hiệp định này. 

Liên quan đến EFTA, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ nêu rõ quan điểm của Thụy Sĩ là quan tâm và mong muốn sớm kí kết Hiệp định này. Cho rằng hai bên đang đi nhanh và đúng hướng, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ kì vọng là sang năm 2024, hai bên có thể kí kết thành công góp phần cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ cũng bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm khi là Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực kinh tế thương mại khi còn làm Phó Thủ tướng Chính phủ và với vai trò hiện nay khi là người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam chắc chắn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tích cực thúc đẩy việc đàm phán, ký kết Hiệp định này.

Chia sẻ câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi nhanh và về đích thì phải đi cùng nhau”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc ký hết EFTA là không thể trì hoãn thêm, kì vọng Hiệp định sớm được ký kết để đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cả hai bên.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hai nước cũng có nhiều cơ hội trong hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu…Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thụy Sĩ tăng số học bổng và tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục hai bên, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo về dược phẩm, công nghệ cơ khí chính xác, du lịch, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm...Đồng thời, đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ trong chuyển đổi năng lượng công băng và chuyển đổi số; mong muốn Thụy Sĩ hỗ trợ tài chính xanh và công nghệ cho Việt Nam để góp phần thực hiện cam kết tại COP-26.

Chủ tịch Quốc hội gửi lời cảm ơn và mong Quốc hội, Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ ổn định cuộc sống, hội nhập sở tại, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hai nước.

Đề nghị Thụy Sỹ ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về gìn giữ hòa bình, ổn định bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông theo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước về Luật Biển UNCLOS 1982.

Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas nhất trí với đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc Thụy Sĩ tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong bảo đảm an toàn, tự do hàng hải ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; khẳng định, quan điểm của Thụy Sĩ trong vấn đề này là các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Thụy Sĩ cũng luôn kêu gọi các bên đối thoại, đưa ra giải pháp hoà bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc

Nhất trí tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, kiến tạo thể chế phát triển và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu

Trao đổi về hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước, thông tin về Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay, Quốc hội Việt Nam có lịch sử 77 năm. Theo quy định Quốc hội Việt Nam có 500 đại biểu và các đại biểu Quốc hội được bầu trên cơ sở phân bổ số lượng theo từng địa phương. Tỉ lệ nữ đại biểu đạt hơn 30%, dân tộc ít người 18%. Theo Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Quốc hội có chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cử tri bầu ra Quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội thành lập Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng. Như vậy có 55 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn và hàng năm Quốc hội có quyền chất vấn và định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này. Chủ tịch Quốc hội cho biết hầu hết các phiên họp toàn thể của Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên truyền hình quốc gia và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Hiện nay Quốc hội Việt Nam có quan hệ chính thức với các nghị viện của 140 nước trên thế giới.

Các đại biểu cùng dự hội đàm

Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, giữa các Ủy ban chuyên môn và giữa các nghị sĩ. Tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, kiến tạo thể chế phát triển, đáp ứng các yêu cầu mang tính toàn cầu như chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cho rằng, hai cơ quan lập pháp cần tăng cường tham vấn, trao đổi, phối hợp ủng hộ nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Hai nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước cần tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, hai cơ quan lập pháp hai nước cũng có thể phối hợp giám sát, thúc đẩy triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác của hai Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng hai bên cần thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các chính quyền các địa phương cũng như các cơ quan dân cử ở địa phương của Việt Nam và các bang của Thụy Sĩ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tiềm năng hợp tác của hai nước, hai cơ quan lập pháp là rất lớn. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay thì Việt Nam và Thụy Sĩ càng cần phải tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa vì lợi ích của cả hai bên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các đại biểu Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Thụy Sĩ

Trao đổi thông tin về đặc điểm tổ chức hoạt động của lưỡng viện Thụy Sĩ, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas cho biết nghị viện Thụy Sĩ có những khác biệt về tổ chức nhưng về chức năng nhiệm vụ có sự tương đồng với Quốc hội Việt Nam. Cho biết, phía Thụy Sĩ quan tâm đến việc tăng cường hợp tác trao đổi giữa hai bên, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ khẳng định Hạ viện Thụy Sĩ quan tâm đến việc phát triển quan hệ hợp tác nghị viện với Việt Nam, mong Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sớm bố trí thời gian thích hợp sang thăm Thụy Sĩ.

Một số hình ảnh tại cuộc hội đàm:

Toàn cảnh hội đàm

Các đại biểu phía Việt Nam dự hội đàm

Các đại biểu Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Thụy Sĩ tại hội đàm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ trao đổi sau hội đàm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiễn Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ rời Nhà Quốc hội.

Bảo Yến - Phạm Thắng