TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỌP BÁO CÔNG BỐ KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV
Sẽ có đánh giá đầy đủ để kế thừa, phát huy những đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp
Hình ảnh tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Tại cuộc họp báo, theo ghi nhận của phóng viên, biên tập viên tác nghiệp tại kỳ họp lần này, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp thành 2 đợt và dành một tuần giữa hai đợt họp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và các Ủy ban tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội là một điều đặc biệt. Đây cũng là khoảng thời gian để các đại biểu Quốc hội là những người đứng đầu địa phương có thể tập trung giải quyết và xử lý những công việc thuộc thẩm quyền. Vấn đề được các phóng viên quan tâm là liệu đổi mới trong tổ chức kỳ họp lần này của Quốc hội liệu có trở thành thường lệ.
Trao đổi làm rõ vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tục thực hiện chủ trương đổi mới để ngày càng hoạt động hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có chỉ đạo sát sao, thường xuyên và đã có Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kỳ họp Quốc hội. Theo đó nhiều nội dung đổi mới có trong Đề án đã được thực hiện.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trực tiếp trao đổi, trả lời câu hỏi của phóng viên về nội dung, kết quả của kỳ họp
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường gợi nhắc, đây không phải lần đầu tiên kỳ họp Quốc hội được chia thành 2 đợt và có một tuần nghỉ giữa hai đợt mà trước đó trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thực hiện. Tuy nhiên tại khóa XIV việc tổ chức kỳ họp trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID – 19, Quốc hội buộc phải tổ chức họp trực tuyến sau đó họp trực tiếp, tập trung.
Tại kỳ họp lần này, hai đợt họp đều là họp tập trung và dành khoảng thời gian một tuần giữa 02 đợt của kỳ họp. Theo dõi thực tế đã cho thấy rất rõ chất lượng, hiệu quả của Kỳ họp lần này đã được nâng cao, giải quyết khối lượng lớn nhất các luật, nghị quyết trong một kỳ họp thừ đầu nhiệm kỳ đến nay. Điều đó càng cho thấy một tuần giữa hai đợt họp có nghĩa quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp để cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua
Với khối lượng lớn công việc như vậy nếu họp liên tục cũng sẽ là quá tải đối với các cơ quan. Nếu như phải nghiên cứu tiếp thu phải làm đến 2-3-4 giờ sáng thì chất lượng của các văn bản cũng khó có thể bảo đảm đạt chất lượng cao. Do đó một tuần giữa hai đợt họp thực sự có ý nghĩa thiết thực. Cách tổ chức kỳ họp lần này không chỉ có ý nghĩa đối với các cơ quan ở trung ương mà cũng rất hiệu quả đối với các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ở địa phương có thời gian giải quyết công việc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được, sau khi được đánh giá một cách đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét để có thể áp dụng cho những kì họp sau nếu như khối lượng công việc phải giải quyết lớn. Trường hợp các nội dung không quá nhiều thì có thể họp liền mạch.
Sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành vào Kỳ họp thứ 6
Trao đổi về đánh giá việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành khi trả lời chất vấn làm căn cứ để các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cũng như giải pháp nào để thúc đẩy thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa trước Quốc hội cử tri cả nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm rõ, theo quy định pháp luật hiện hành, tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10 của mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa chất vấn, kết quả hoạt động giám sát nói chung, trong đó có giám sát chuyên đề. Để thực hiện hoạt động giám sát này thì một cơ sở quan trọng là dựa vào các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đều nêu cụ thể những yêu cầu Chính phủ, các Bộ trưởng ngành thực hiện những giải pháp cam kết và sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, giải quyết các vướng mắc, bất cập của thực tiễn cuộc sống. Có thể thấy Nghị quyết về chất vấn đã nêu một cách cụ thể, có định lượng các nhiệm vụ phải thực hiện. Đây cũng chính là căn cứ để các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát và giám sát lại.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 tới, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại. Theo đó, sẽ tiến hành giám sát tổng quan nhiều nội dung từ việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, nghị quyết chất vấn, giám sát các báo cáo, giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật…Khi đó, các cơ quan từ Chính phủ, các Bộ ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ phải chuẩn bị báo cáo. Như vậy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn những nội dung về việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng như Chính phủ trong việc thực hiện các nghị quyết chất vấn. Điều này sẽ đảm bảo cho việc mà thực hiện các cam kết, các lời hứa sẽ được tổ chức thực hiện và đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân cả nước.
Khắc phục hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, tranh luận tại kỳ họp là việc khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức ở nhiều ngành, nhiều cấp sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đây tiếp tục là vấn đề được nhiều phóng viên quan tâm tại cuộc họp báo.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội không chỉ đưa ra yêu cầu sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí tác nghiệp tại Trung tâm báo chí, Nhà Quốc hội
Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 cũng yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước... đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc, kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp; và, tiến hành báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, những giải pháp được Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đưa ra đã tương đối đủ để góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho biết chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì đây là chủ trương của Đảng đã được thể hiện trong Nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, tại kỳ họp này, trước những yêu cầu cuộc sống, trước những đòi hỏi bức thiết trong điều hành kinh tế - xã hội, đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận và tranh luận để vừa đưa ra các nguyên nhân vừa đưa ra các giải pháp để nâng cao được trách nhiệm cán bộ, tăng sự chủ động trong điều hành, tránh tình trạng trì trệ, không dám làm.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An trao đổi tại họp báo
Từ chủ trương, chính sách của Đảng tại kỳ họp lần này, lần đầu tiên Quốc hội ghi nhận trong một nghị quyết chính thức của Quốc hội về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm và xử lý tình trạng là đùn đẩy trách nhiệm. Nghị quyết của Quốc hội đã nhận định một cách trực tiếp, trực diện tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự chuyển trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội. Trước thực trạng đó, Nghị quyết của Quốc hội đã nhiều giải pháp, trong đó có nhiều giải pháp được các đại biểu Quốc hội nêu và gợi mở trong các phiên thảo luận, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An chia sẻ.
Theo Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An, trong quản lý điều hành đất nước cần phải có những biện pháp thực sự mạnh mẽ và quyết liệt hay còn gọi là những biện pháp “bàn tay sắt” đề cao kỷ luật, kỷ cương, ai có công thì được thưởng, ai làm tốt thì được khen, ai không làm thì phải đứng ra bên ngoài và kỷ luật.
Do đó, trong Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rất rõ về việc sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho rằng khi các văn bản được ban hành thì sẽ giải quyết được vấn đề.