CẦN XÁC ĐỊNH RÕ PHẠM VI QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC TRONG LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

26/06/2023

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Quan tâm đến dự án luật quan trọng này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, pháp luật tài nguyên nước chưa xác định rõ phạm vi quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nhất là nước biển và nước ở các lưu vực sông để từ đó quy định quyền hạn, trách nhiệm của các thiết chế quản lý.

QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Bên cạnh đó, dự án luật cũng hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá.

Dự án luật được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước. Các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 162/TTr-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong quản lý tài nguyên nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Về Hồ sơ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng sử dụng nước, các cơ quan quản lý nước; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước; tiếp thu nghiêm túc đầy đủ ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp tháng 3/2023, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các ủy ban khác của Quốc hội. Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quan tâm đến dự án luật này, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, qua khảo sát, so sánh về pháp luật hiện hành ở nước ta về tài nguyên nước với các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan, với pháp luật quốc tế và một số quốc gia, có thể đưa ra một số nhận định sau

Thứ nhất, nội dung của pháp luật hiện hành về tài nguyên nước chưa được xác định một cách chính xác để từ đó xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước năm 2012. Chính vì vậy, nội dung của Luật Tài nguyên nước chứa đựng nhiều vấn đề được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Pháp luật tài nguyên nước hiện hành cần có cách tiếp cận tích hợp. Đáng tiếc là điều này chưa có được trong pháp luật về tài nguyên nước.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN

Thứ hai, như là hệ lụy của thực trạng trên, pháp luật tài nguyên nước có nhiều vấn đề trung lặp, chồng lấn và xung đột lẫn nhau. Quản lý tài nguyên nước đòi hỏi sự tích hợp rất cao. Cách tiếp cận tích hợp (intergrated approach) khác với cách tiếp cận tổng hợp hay toàn diện. Sự khác nhau giữa chúng liên quan đến việc xử lý tất cả các vấn đề, các thành tố liên quan mật thiết nhưng gắn với nhiều lĩnh vực khác. Cách tiếp cận tích hợp đòi hỏi phải xử lý toàn bộ các vấn đề theo hướng yếu tố này phải trở thành điều kiện hay giải pháp cho yếu tố kia. Nếu thể hiện chúng trong xây dựng pháp luật tài nguyên nước thì phải biến các quy phạm điều chỉnh các vấn đề chung của quản lý tài nguyên nước, dù được ban hành ở luật nào đều trở thành quy phạm của chính lĩnh vực này bằng việc tích hợp. Ví dụ, các quy định về quy hoạch môi trường, quy hoạch sử dụng đất nếu không điều chỉnh các vấn đề đặc thù của quy hoạch tài nguyên nước thì cần áp dụng các quy định của Luật quy hoạch 2017.

Thứ tư, pháp luật tài nguyên nước chưa xác định rõ phạm vi quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nhất là nước biển và nước ở các lưu vực sông để từ đó quy định quyền hạn, trách nhiệm của các thiết chế quản lý. Thực tế này dễ nhận thấy trong các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài nguyên nước lưu vực sông và tài nguyên nước vùng biển giáp ranh giữa các địa giới hành chính. Vẫn còn khoảng mờ trong pháp luật hiện hành về khai thác, sử dụng nước biển dù nó vẫn hoàn toàn thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật tài nguyên nước. Các quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo cũng chỉ chú trọng vào các tài nguyên biển khác chứ không phải là nước biển.

Hồ Hương