LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): CẦN CÓ QUY ĐỊNH ƯU TIỄN QUỸ ĐẤT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VIỄN THÔNG

21/06/2023

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thuê đất xây dựng công trình viễn thông, cần xem xét bổ sung quy định cụ thể về ưu tiên xây dựng công trình viễn thông trên các loại đất không phụ thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng để xây dựng và không được chuyển dổi mục đích sử dụng đất.

TRÌNH QUỐC HỘI LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): TẠO NỀN TẢNG CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến về dự án Luật quan trọng này. Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao dự thảo Luật đã bổ sung quy định “Công trình viễn thông được lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công và các tài sản công khác” (tại khoản 1, Điều 63). Theo đại biểu, quy định như vậy nhằm khắc phục khó khăn vướng mắc hiện nay trên thực tiễn.

Đối với, quy định về đất sử dụng cho công trình viễn thông, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể và có đề cập việc ưu tiên xây dựng công trình viễn thông trên các loại đất không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng để xây dựng và không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Lý giải cho đề xuất này, đại biểu nêu rõ, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đang gặp khó khăn trong việc thuê đất của tổ chức, cá nhân để xây dựng, lắp đặt trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) do liên quan đến Luật Đất đai quy định nguyên tắc sử dụng đất.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm 

Thực tế người dân cho doanh nghiệp viễn thông thuê đất đề xây dựng trạm BTS với thời gian thuê từ 3 -5 năm và thường người dân không làm các thủ tục đăng ký biến động ddaatas hoặc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Một só nơi trên địa bàn tỉnh, người đân viện cớ vào mục đích sử dụng đất để phản đối doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt trạm BTS. Mặt khác, các doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng công trình viễn thông trên cơ sở phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, đảm bảo tối ưu vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn nên không thể phụ thuộc vào khu vực đất, loại đất để được xây dựng.

Cũng theo đại biểu Nghị quyết 52 –NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị xác định hạ tầng viễn thông là cơ sở hạ tầng thiết yếu, cần được ưu tiên phát triển. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thuê đất xây dựng công trình viễn thông, đề nghị xem xét có thể bổ sung cụ thể về ưu tiên xây dựng công trình viễn thông trên các loại đất không phụ thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng để xây dựng và không được chuyển dổi mục đích sử dụng đất.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc việc đưa các dịch vụ: “dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu” vào quản lý trong Luật Viễn thông, nhằm đảm bảo mục tiêu khuyến khích phát triển dịch vụ, huy động nguồn lực vốn và công nghệ từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài; đồng thời đưa “dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông” vào nội dung điều chỉnh trong “Luật An ninh mạng” và “dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây” đưa vào “Luật Công nghệ thông tin” cho phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, dự thảo luật sử dụng cụm từ “Hoạt động viễn thông công ích”, nhưng  chưa có quy định cụ thể thế nào là “Hoạt động viễn thông công ích”. Vì vậy, ban soạn thảo cần đưa vào giải thích từ ngữ, cho dễ hiểu, thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đối với quy định về viễn thông công ích, đại biểu Lý Thị Lan nêu thực tế tại Hà Giang là địa phương có 133/193 xã là xã vùng III, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Với địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt, hiệu quả kinh doanh không đảm bảo nên các doanh nghiệp chưa có kế hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông đến các thôn/bản vùng sâu, vùng xa.

Chương trình viễn thông công ích là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, mang lại ý nghĩa quan trọng đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới trong việc tiếp cận thông tin, phát triển kinh tế xã hội, giảm bớt khoảng cách số giữa các vùng miền. Do đó, việc duy trì Quỹ Viễn thông công ích là cần thiết. Để chương trình viễn thông công ích có thể triển khai nhanh, hiệu quả hơn trong thời gian tới, đại biểu đề nghị cần thiết bổ sung vào Chương III, dự thảo Luật viễn thông sửa đổi lần này một số nội dung định hướng như: quy định nguyên tắc, mô hình tổ chức, cơ chế thu chi để Quỹ viễn thông công ích hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.

Cho ý kiến về kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông quy định tại Chương V, có ý kiến cho rằng, việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật là một chính sách đang được Nhà nước khuyến khích nhằm tránh việc các đơn vị thi công rải rác, không đồng bộ, ảnh hưởng đến quy hoạch, cảnh quan không gian. Việc kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức thực hiện. Mặc dù có hướng dẫn về cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung nhưng nội dung chưa được rõ ràng và gây nhiều vướng mắc khi áp dụng trên thực tế.

Do đó, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung tại Điều 65 về Thiết kế, xây dựng công trình viễn thông và Điều 67 về Quản lý công trình viễn thông quy định về việc nên giao cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương là chủ đầu tư các công trình viễn thông và quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động dùng chung.

Minh Hùng