QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ: CHƯA TRỞ THÀNH MỘT KÊNH HUY ĐỘNG, THU HÚT ĐƯỢC ĐẦU TƯ TỪ XÃ HỘI

21/06/2023

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện chính sách pháp luật về Quỹ phát triển KH&CN. Các đại biểu chỉ ra rằng, thực tế, Quỹ này chưa trở thành một kênh huy động, thu hút được đầu tư từ xã hội. Do đó, đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (SỬA ĐỔI)

Tỷ lệ trích lập Quỹ chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô của doanh nghiệp

Theo Bộ KH&CN, cho đến nay, liên quan đến việc tổ chức, triển khai thực hiện Quỹ phát triển KH&CN của doanh doanh nghiệp (viết tắt là Quỹ), nhiều văn bản quy phạm pháp luật các cấp đã được ban hành.  Theo số liệu thống kê của Tổng cục thuế, trong giai đoạn 2015-2021, có tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập Quỹ, trong đó số sử dụng chiếm khoảng 60,3%. So với tổng số doanh nghiệp hiện có, số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập Quỹ là khá khiêm tốn. Số trích Quỹ và sử dụng Quỹ lớn tập trung vào một số Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp lớn. 

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Nhằm khơi thông nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN, đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng hiệu quả sử dụng Quỹ của doanh nghiệp, để tháo gỡ các vướng mắc chính trong việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC ngày 07/11/2022 hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Hiện nay, với sự thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN đang tiến hành các thủ tục để công bố huỷ bỏ hiệu lực của Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC.

Như vậy, đối với những vướng mắc về nội dung chi, thủ tục trích lập quỹ việc quản lý, sử dụng quỹ đã có sự điều chỉnh theo hướng mở rộng hơn nội dung chi, cụ thể hơn các mục chi của quỹ và tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp. Đồng thời, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN cũng quy định cụ thể hơn về thủ tục yêu cầu hỗ trợ từ quỹ phát triển KH&CN của quốc gia, của bộ, ngành và địa phương cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&CN, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Theo đó, tỷ lệ trích lập Quỹ chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam trong đó một phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gần như không có doanh nghiệp FDI nào trích lập Quỹ cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ chưa đủ hấp dẫn. Các quy định về quản lý Quỹ không phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc triển khai các hoạt động chi của Quỹ.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn

Thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của Quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với đặc thù của Quỹ, có nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thủ tục phức tạp khó thực hiện, như: cơ chế giám sát nội dung chi tiêu Quỹ, quyết toán chi Quỹ với cơ quan quản lý nhà nước, chế tài phạt đối với việc trích lập mà không sử dụng hay sử dụng không hết 70% số trích… nên doanh nghiệp ngại chi từ Quỹ và từ đó không muốn trích lập Quỹ. Trong khi đó, các khoản chi kể cả chi cho đầu tư và nghiên cứu khoa học mà phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có hóa đơn, chứng từ hợp pháp được đưa vào chi phí được trừ trong kỳ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.           

Các quy định còn vướng mắc, khó khăn

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết, có ý kiến cho rằng việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ còn nhiều tồn tại, hạn chế, cho đến nay là gần 10 năm thành lập quỹ nhưng tình trạng thiếu tiền, thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực dành cho khoa học, công nghệ còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng quỹ, cơ cấu chi của quỹ còn bất hợp lý, nội dung chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%, trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các doanh nghiệp.

Đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Đại biểu chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu là do không có sự tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Là cơ quan tham mưu của Chính phủ về nội dung này, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ như thế nào và giải pháp để khắc phục tình trạng trên ra sao?

Tại phiên chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước chỉ rõ, thời gian qua các quỹ này hoàn toàn hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước và chưa trở thành một kênh để huy động, thu hút được đầu tư từ xã hội đối với các hoạt động khoa học, công nghệ cũng như chưa phát huy được vai trò cho vay, hỗ trợ vay vốn đối với các doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ.

Các quy định về trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp vẫn còn một số vướng mắc, bất cập và cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước cũng chưa thật sự hiệu quả, chưa phát huy được tối đa nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp. Vấn đề này thuộc về hệ thống quy định pháp luật còn chung, thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính đầu tư với quy định pháp luật về khoa học và công nghệ, trong đó hệ thống văn bản pháp luật về phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn rất phức tạp, cồng kềnh và liên tục được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nên các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là địa phương và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai áp dụng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng phải có đánh giá và làm rõ thêm vấn đề này trong thời gian tới để có những giải pháp thực thi tốt hơn?

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước 

Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho biết, theo quy định của luật thì Quỹ phát triển khoa học công nghệ ở doanh nghiệp được thành lập và được quyền trích kinh phí của mình cho quỹ này. Nếu như các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì khuyến khích nhưng đối với doanh nghiệp nhà nước thì bắt buộc tỷ lệ phải từ 3 cho đến 10%

Theo số liệu thống kê thì trong giai đoạn 2015-2021, tổng số doanh nghiệp tích lũy là 1.281, với tổng số tiền chiếm khoảng 0,14% trên tổng số các doanh nghiệp của cả nước. Giải ngân đến nay mới chỉ đạt 60% trên số tiền mà các doanh nghiệp đã trích lập. Chỉ các doanh nghiệp lớn thì trích quỹ mới có giá trị tương đối lớn, còn các doanh nghiệp khác vừa và nhỏ thì việc trích quỹ rất khó khăn về nguồn lực cũng như phương thức sử dụng quỹ này thế nào cho hiệu quả.

Các quy định còn vướng mắc, khó khăn, không thu hút được các doanh nghiệp thiết lập quỹ, ngay cả các doanh nghiệp FDI họ rất có điều kiện để trích lập quỹ nhưng họ thấy tính hấp dẫn chưa cao. Cho nên đến nay các tập đoàn lớn chỉ sử dụng theo cách thức của họ, họ không thiết lập quỹ, kể cả các trung tâm của Samsung, Panasonic, LG, v.v. họ không trích lập quỹ. Hướng sắp tới là làm thế nào để chúng ta thay đổi quy định để thu hút được việc trích lập quỹ cũng như sử dụng quỹ có hiệu quả hơn.

Bộ trưởng cho biết, vừa rồi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính ban hành những thông tư theo chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội. Tuy nhiên, 2 thông tư đó ban hành cho đến thời điểm này chưa có tính hấp dẫn cao, chưa thu hút thêm được nhiều các doanh nghiệp trích lập quỹ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt 

Thời gian sắp tới Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ và Quốc hội để làm thế nào có những cơ chế, chính sách thu hút được các doanh nghiệp trích lập quỹ cũng như là sử dụng hiệu quả quỹ của mình. Đặc biệt là tiếp tục cho triển khai việc cho phép các doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc để đổi mới công nghệ cũng như phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh của đơn vị đó. Vấn đề miễn, giảm thuế cho các hoạt động này mới hấp dẫn được các doanh nghiệp, qua đó có thể thu hút ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào quỹ này. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và phù hợp, tuy nhiên phải tháo gỡ quy trình, thủ tục cũng như các quy chế về hoạt động của quỹ này.

Ngoài ra, cần hướng dẫn quản lý và sử dụng số tiền nộp về Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của Bộ, ngành, địa phương. Hướng dẫn cụ thể về nội dung và thủ tục thuế, hạch toán kế toán liên quan đến việc sử dụng Quỹ cho hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,...theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ theo đúng quy định pháp luật.

Hồ Hương