SỬA ĐỔI LUẬT NHÀ Ở: QUY ĐỊNH LOẠI HÌNH CƠ SỞ LƯU TRÚ CHO CÔNG NHÂN CHƯA ĐẢM BẢO CHẶT CHẼ, KHOA HỌC

19/06/2023

Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định loại hình cơ sở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp như trong dự thảo Luật chưa đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về lĩnh vực này, nhất là phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng.

SỬA ĐỔI LUẬT NHÀ Ở: THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, KHƠI DẬY TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết, vấn đề nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp là nhu cầu bức thiết hiện nay. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

Để thể chế hóa chủ trương này, dự thảo Luật đã quy định loại hình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Theo đó, tại khoản 9 Điều 3 dự thảo Luật xác định, nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của Luật này. Tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 89 dự thảo Luật quy định về việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và điểm c khoản 2 Điều 92 dự thảo Luật quy định về yêu cầu đối với dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, việc quy định loại hình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp như dự thảo là không phù hợp, không đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, loại hình này không thể coi là nhà ở công nhân. Về nguyên tắc, nhà ở xã hội hay bất kỳ loại nhà ở nào đều phải được xây dựng trên đất ở, công trình trên đất dịch vụ trong khu công nghiệp không thể coi là nhà ở. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Như vậy, việc lưu trú có tính chất kém ổn định hơn nhiều so với ở. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định này để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Đồng thời, đảm bảo đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ổn định của công nhân và tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan.

Dự thảo Luật nên quy định vấn đề này theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị nông thôn thống nhất với quy định tại khoản 10 Điều 197 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân, đảm bảo quyền lợi của công nhân trong khu công nghiệp theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Cũng quan tâm tới quy định tại khoản 9 Điều 3 dự thảo Luật về nhà lưu trú công nhân, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ chỉ ra rằng, khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 quy định, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 25 Nghị định số 35 ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định “cơ sở lưu trú được xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp.”.

Qua so sánh giữa 2 quy định về lưu trú cho công nhân tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Cư trú hiện hành, đại biểu nhận thấy, việc quy định loại hình cơ sở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp như trong dự thảo Luật là chưa đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học. Về nguyên tắc, nhà ở xã hội hay bất kỳ loại nhà ở nào đều phải xây dựng trên đất ở, trong khi công trình trên đất dịch vụ nằm trong khu công nghiệp không thể coi là nhà ở. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về lĩnh vực này, nhất là phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng.

Tán thành với việc cần thiết xây dựng chính sách nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho hay, thực tế hiện nay, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp thường ở những tỉnh lẻ có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, khó khăn trong việc tiếp cận với nhà ở xã hội. Việc có nhà ở trọ tại các khu vực khác xa nơi làm việc, rải rác trong các con hẻm, ngõ cụt dẫn đến nhiều hệ lụy trong cuộc sống. Điển hình, thời điểm đại dịch COVID-19 vừa qua, đời sống công nhân nhiều nơi rất khó khăn, doanh nghiệp phải đóng cửa, ngưng trệ hệ thống vận hành, công nhân không có công ăn việc làm. Nếu như, trong tương lai có một sự cố như đại dịch COVID-19 mà các khu công nghiệp bố trí được nhà ở cho công nhân thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, đặc biệt là giảm ùn tắc giao thông những khu trung tâm và đô thị lớn.

Tuy nhiên, để thực hiện chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ việc dành quỹ đất thích hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân; phải đảm bảo về tỷ lệ phần trăm quỹ đất, diện tích khu công nghiệp, số lượng công nhân; bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy giữa khu vực nhà ở cho công nhân với khu công nghiệp, nhất là những khu công nghiệp lớn, có đông người lao động làm việc. Đồng thời, bảo đảm chăm lo đời sống cho công nhân khu công nghiệp; có chế tài xử lý thích đáng đối với những đối tượng khi được hỗ trợ nhà ở công nhân khu công nghiệp không thực hiện đúng quy định của công ty và doanh nghiệp.

Đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Ở góc nhìn khác, đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, khái niệm nhà lưu trú công nhân là khái niệm không dễ dàng để xác định về mặt pháp lý, đặc biệt là việc xác định khái niệm công nhân trong bối cảnh cuộc cách mạng tri thức, cách mạng 4.0 là điều không dễ dàng về lý luân. Trong pháp lý cũng không có sự xác định rõ ràng về khái niệm công nhân. Do đó, nếu cứ mặc nhiên sử dụng khái niệm nhà lưu trú công nhân, đặc biệt là khái niệm công nhân mà không được xác định rõ sẽ rất dễ dẫn đến sự lạm dụng chính sách

Đại biểu cho rằng, khái niệm công nhân đang được sử dụng lẫn lộn với khái niệm người lao động. Tuy tên gọi là nhà lưu trú công nhân, nhưng thực chất là mở rộng cho tất cả những người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Theo Bộ luật Lao động, người lao động trong doanh nghiệp được xác định là tất cả những người làm việc theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Có thể thấy, quy định trên bao gồm rất rộng từ những người lao động có tay nghề, những người lao động phổ thông làm việc trực tiếp cho người sử dụng lao động, những người quản lý ở cấp trung gian trong doanh nghiệp và cả những chuyên gia trong nước, nước ngoài.

Đại biểu Lâm Văn Đoàn nhấn mạnh, nếu không xác định rõ khái niệm công nhân thì chính sách nhà lưu trú công nhân có thể sẽ rơi vào những đối tượng, những người quản lý mà có thu nhập cao từ trung bình trở lên, những chuyên gia có thu nhập cao và kể cả chuyên gia nước ngoài. Do đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần giải thích từ ngữ, định nghĩa, khái niệm rất rõ ràng về khái niệm công nhân. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng Sắc lệnh số 29 năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh bời trong đó xác định rất rõ khái niệm công nhân, qua đó làm cho chính sách không bị chênh lệch.

Đồng thời, cần xác định rõ những người lao động trong doanh nghiệp là những người lao động có thu nhập thấp, ở dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân chứ không thể xác định tất cả gồm những người lao động nói chung trong doanh nghiệp. Như vậy phạm vi quá rộng, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với những đối tượng lao động yếu thế trong doanh nghiệp sẽ có thiên lệch nhất định; cần phải khu trú lại khái niệm này, phải giải thích cho tường minh hơn, từ đó xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách./.

Minh Thành