THU HÚT NHÀ KHOA HỌC: BÊN CẠNH SỰ ỦNG HỘ CẦN CÓ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

13/06/2023

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Tư lệnh ngành khoa học Huỳnh Thành Đạt, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tâm tư về cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực này. Theo đó, các đại biểu cho rằng, muốn thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học thì bên cạnh sự ủng hộ cần có cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý.

QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Tình hình kinh tế - xã hội cải thiện, tại sao đội ngũ khoa học đầu ngành lại hụt hẫng?

Đưa ra vấn đề tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh nêu rõ, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, một trong những yếu tố then chốt để thực hiện chiến lược này là cần có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của giới khoa học đối với chiến lược trên thì họ cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ giải pháp cho vấn đề này?

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tham gia chất vấn

Cũng quan tâm đến chủ đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu rõ, Bộ trưởng có nói là đồng ý coi nhân tài là một hướng để phát triển khoa học công nghệ, tuy nhiên việc thực hiện rất khó khăn. Đại biểu muốn Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới đây, ngay tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng có phương án nào để có thể chiêu mộ nhân tài về bộ làm việc?

Tán thành với ý kiến của các đại biểu khi nói về cốt lõi trong phát triển khoa học, công nghệ phải là vấn đề nhân tài, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên muốn nhấn mạnh một yếu tố quan trọng hơn nữa, đó là nhà khoa học đầu ngành. Đại biểu chỉ rõ, trong báo cáo của bộ có nêu đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có tăng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Đây là một vấn đề không mới nhưng vẫn rất nhức nhối. Không mới, bởi vì ngay trong nghị quyết Trung ương 6 khóa XI từ năm 2012 đã nêu rất rõ phải tăng cường phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Đại biểu cho biết, một thực tế khi đi khảo sát ở các trường, các viện nghiên cứu thì thấy rõ sự hụt hẫng này của các nhà khoa học đầu ngành. Các đại biểu băn khoăn tại sao trong thời chiến tranh hay những năm tháng bao cấp kinh tế rất khó khăn, thông tin rất ít, chúng ta vẫn tự hào có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bây giờ trong điều kiện công nghệ phẳng, chúng ta có thể tiếp cận rất nhiều với khoa học trên thế giới cũng như điều kiện kinh tế - xã hội đã tốt hơn rất nhiều thì đội ngũ khoa học đầu ngành lại hụt hẫng. Nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn không biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê trong các lĩnh vực khoa học của đất nước chúng ta, các trường, các viện những lĩnh vực nào thiếu bao nhiêu các nhà khoa học đầu ngành, những lĩnh vực nào có những nhà khoa học đầu ngành.

Nhấn mạnh khoa học cần những sản phẩm rất cụ thể, cần những giải pháp rất cặn kẽ, đi vào con người, đi vào chính sách, đi vào những đơn vị, đại biểu nêu rõ, với sự chủ quản của Bộ Khoa học và Công nghệ, với tiềm lực của đất nước chúng ta cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khoa học, công nghệ; coi khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu thì đây là thời cơ để chúng ta giải quyết vấn đề này một cách căn cơ.

"Khoa học là con đường ngắn nhất để đi tới thịnh vượng"

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thu hút nhân tài là điều rất trăn trở khi bản thân về Bộ cũng như trước đây làm việc ở cơ sở giáo dục đại học. Việc này cứ loay hoay vì khi triển khai ở cơ sở thì gặp rất nhiều khó khăn, liên quan đến rất nhiều quy định khác ở Luật Công chức, viên chức; các quy định về tài chính.

Bộ trưởng cho biết, vừa rồi triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức thì Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao để xây dựng đề án này. Bộ sẽ hết sức cố gắng làm thế nào để đề án đó thực sự thu hút được những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, ngoài nước về làm việc với chúng ta một cách hiệu quả nhất. Trong khi triển khai xây dựng đề án thì chắc chắn Bộ sẽ lấy ý kiến các cơ quan quản lý, các địa phương, đặc biệt là các nhà khoa học, trong đó có các vị đại biểu Quốc hội. Rất mong các vị đại biểu sẵn sàng trong việc đóng góp cho đề án này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt 

Hiến kế với Bộ về lĩnh vực này, một số đại biểu nhấn mạnh, điểm kích nổ trong chính sách để làm sao công nghệ Việt Nam bứt phá chính là nhân tài, chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ ở Việt Nam. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư làm cho không chỉ thế giới xung quanh ta thay đổi mà bản thân chúng ta cũng phải thay đổi, thích ứng với nó. Ở Việt Nam hiện nay, thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn chính sách để kích nổ trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như là trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, một loạt những vấn đề khác trong y tế và giáo dục.

Tán thành với quan điểm của một số đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, năm 2023 Bộ tiến hành sửa các thông tư quy định về quản lý các chương trình, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ một cách đồng loạt để đảm bảo cho các thông tư có tính liên thông, đồng bộ với nhau. Hiện nay các thông tư cơ bản đã được hình thành. Vừa rồi Bộ đã ban hành được 5 thông tư mới, đồng bộ với việc tái cơ cấu lại các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia.

Cụ thể, Thông tư số 8 về tuyển chọn, xét chọn nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo hướng bãi bỏ các quy định mà các nhà khoa học là chủ nhiệm có nhiệm vụ nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ khoa học, công nghệ trong 2 năm tiếp. Bộ cũng rất quan tâm đến tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của khoa học, công nghệ. Trước đây nếu nhà khoa học nào mà không hoàn thành được nhiệm vụ khoa học, công nghệ của mình thì không được đăng ký tiếp tục 2 năm sau đó và đơn vị chủ trì cũng có ảnh hưởng nhất định trong việc đăng ký nhiệm vụ khoa học, công nghệ cao cấp. Đó là vấn đề mà các nhà khoa học cũng như các đơn vị chủ trì rất quan ngại, cũng là một cản trở. Bởi vì, khoa học, công nghệ là một hoạt động xã hội đặc biệt, nó tìm kiếm ra vấn đề mới, có thể thành công, không thành công, thất bại, thành công sớm hoặc thành công chậm, cho nên tính đặc thù là rủi ro và độ trễ.

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng cho biết, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ về dự sự kiện 60 năm Bác Hồ với ngành khoa học, công nghệ, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Bộ trưởng cũng rất tâm đắc với câu "Khoa học là con đường ngắn nhất để đi tới thịnh vượng". Trên tinh thần đó Bộ hết sức cố gắng để làm thế nào động viên các nhà khoa học tham gia một cách tích cực vào hoạt động thiên chức của mình, đó là nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.

Bộ trưởng mong các cấp có thẩm quyền tin tưởng hơn nữa vào các nhà khoa học, giao trọng trách cho họ, giao nhiệm vụ cho họ, giao cơ chế, chính sách cho họ một cách thỏa đáng để họ có thể phát huy năng lực, khả năng của họ để cống hiến. Bên cạnh đó thì Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư 27 về khoán chi, qua đó có thể đơn giản hóa các thủ tục mua sắm, thanh toán để giảm bớt hồ sơ, thủ tục thanh toán. Nếu như chúng ta thực hiện được khoán chi một cách đúng nghĩa đến sản phẩm cuối cùng thì chắc chắn hồ sơ sẽ giảm xuống phân nửa hoặc chỉ còn lại 1/3.

Ngoài ra, về tính đặc thù, thì một đặc thù nữa cũng rất quan trọng, đó là đặc thù về kinh phí, về tài chính của lĩnh vực khoa học, công nghệ. Bởi vì nghiên cứu khoa học, nó không thể tính toán, định lượng chính xác như là các hoạt động lao động sản xuất khác. Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả cũng như lợi nhuận. Trong quá trình chúng ta xây dựng thuyết minh, quản lý đề tài hoặc ngay cả nhiệm thu đề tài, việc xác định lợi nhuận, xác định hiệu quả kinh tế nó phải ở trong tương lai. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về phương thức họp, kiểm tra, đánh giá, hình thành và sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung thì sẽ tăng hiệu quả, hiệu lực, tính minh bạch trong quá trình quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ. 

Minh Hùng