QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, về cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn cơ sở hợp nhất các Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy trong hoạt động phòng thủ dân sự. Để giúp Đảng, Nhà nước, Chính phủ và bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân khi có sự cố, thảm họa, dịch bệnh, môi trường do thiên nhiên, con người hoặc chiến tranh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thành lập nhiều Ban, Ủy ban phối hợp liên ngành làm nhiệm vụ này. Hiện nay, trong lĩnh vực phòng thủ dân sự ở Trung ương có 3 tổ chức, gồm Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong khi đó ở cấp bộ, ngành, địa phương chỉ có một tổ chức đó là Ban chỉ huy phòng thủ dân sự.
Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Về chức năng, nhiệm vụ thì các tổ chức này đều làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Tổng thể nhiệm vụ của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trong lĩnh vực phòng thủ dân sự. Trong khi đó, Ban phòng thủ dân sự quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.
Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo phòng, chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh; phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Thành viên của 3 tổ chức trong lĩnh vực phòng thủ dân sự ở Trung ương đều là do lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, ở bộ, ngành, địa phương thì 3 tổ chức này là một, như vậy 3 tổ chức của trung ương đều cùng chỉ đạo một tổ chức ở bộ, ngành, địa phương, do đó sẽ gây chồng chéo về công tác chỉ đạo, khó khăn trong tổ chức thực hiện ở bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, việc hợp nhất 3 tổ chức Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn là hết sức cần thiết, đảm bảo tinh giản bộ máy chỉ đạo, chỉ huy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn theo tinh thần Nghị quyết số 56/QH14 của Quốc hội.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng về giải thích từ ngữ, trong luật tại các Điều 18, 19, 32 của dự thảo luật có sử dụng cụm từ, đó là "khu vực sơ tán" và "khu vực tập kết", đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc để có giải thích 2 cụm từ này. Đây là những khu vực quan trọng và cần thiết cần phải hiểu rõ để chuẩn bị chu đáo, đầy đủ ngay từ đầu khi chưa xảy ra các sự cố, thảm họa, phục vụ sơ tán, phân tán, tập kết lực lượng, phương tiện và nhân dân đảm bảo an toàn. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 2 quy định đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có nhóm phụ nữ đang mang thai và phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để xem xét nâng độ tuổi phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi để đảm bảo phù hợp, thống nhất với các luật đã ban hành liên quan, như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Quốc hội vừa ban hành kỳ họp vừa rồi chưa có hiệu lực.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đối với quy định về thông tin về sự cố, thảm họa và việc tiếp cận thông tin về sự cố, thảm họa của cá nhân, tại khoản 1 Điều 6 của dự thảo luật quy định "thông tin về nguy cơ sự cố, thảm họa và diễn biến của sự cố, thảm họa phải kịp thời, chính xác". Điểm a khoản 1 Điều 37 dự thảo quy định "cá nhân có quyền tiếp cận thông tin về sự cố, thảm họa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.” Đại biểu cho rằng, việc thông tin về sự cố, thảm họa được cập nhật kịp thời, chính xác và thường xuyên đến với nhân dân cũng như việc người dân được tiếp cận những thông tin chính thống về sự cố thảm họa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, khi nắm được thông tin kịp thời, chính xác thì người dân có thể chủ động phòng ngừa và kịp thời có các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả khi sự cố, thảm họa xảy ra, tránh được những hoang mang, lo lắng trước những thông tin thất thiệt như tin xấu, tin độc do một số đối tượng có động cơ không tốt tung ra.
Thực tế trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19 vừa qua vấn đề thông tin cũng rất được quan tâm. Bên cạnh việc xảy ra nhiễu loạn thông tin, trong đó cũng không ít những tin xấu, tin độc. Qua đó, cũng cần thẳng thắn thừa nhận có nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như các quy định chính sách, thủ tục hành chính trong phòng, chống dịch của người dân chưa được tiếp cận một cách hiệu quả nhất dẫn tới lúng túng trong việc phòng, chống và chấp hành các quy định, thậm chí nhiều người không được bảo đảm về mặt chính sách và có những phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Toàn cảnh phiên họp
Về những thủ tục hành chính trong bối cảnh dịch bệnh thời gian vừa qua, đại biểu cho rằng đây cũng là một bài học để xây dựng trong dự thảo luật này, bởi nếu như nhu cầu thông tin chính đáng của người dân không được bảo đảm, đặc biệt trong các tình huống mang tính khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh thì rất nhiều quyền khác của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng và cũng được biết rằng Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng đã quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, ở Luật Tiếp cận thông tin chỉ mới quy định khung và mang tính nguyên tắc tổng quát.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu để bổ sung vào Chương II một mục riêng quy định về chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự, trong đó bao gồm các quy định về hình thức thông tin, tần suất thông tin về sự cố, thảm họa, các nội dung của thông tin và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy định như vậy thì người dân sẽ dễ được tiếp cận thông tin một cách chính thống, mặt khác mới tạo ra cơ chế ràng buộc để đảm bảo cho người dân được tiếp cận thông tin một cách chính xác và kịp thời.