NGHIÊN CỨU BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ DI SẢN HỖN HỢP

12/06/2023

Kiến nghị với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong cuộc làm việc sáng 12/6, đại diện Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý di sản hỗn hợp khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH LÀO CAI

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại cuộc làm việc với Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An 

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO vinh danh. Danh hiệu này đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch cả nước nói chung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp sang dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng hình ảnh của một tỉnh Ninh Bình thân thiện, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An Bùi Quang Ninh cho biết, những năm qua, công tác quản lý nhà nước về di sản, gắn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch được đẩy mạnh. Nhận thức của chính quyền và người dân địa phương, người dân làm dịch vụ du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã có những thay đổi tích cực về vai trò trách nhiệm của mình đối với việc bảo tồn di sản, từng bước xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An trở thành trung tâm du lịch lớn của vùng và của cả nước.

Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát thực tế tại một số hộ kinh doanh homestay ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động

Tuy nhiên, do địa bàn di sản trải rộng trên 12.000ha thuộc đơn vị hành chính của 5 huyện, thành phố, địa hình phức tạp, khó khăn, nên công tác tuần tra, nắm bắt các hành vi vi phạm, ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan di sản có lúc, có nơi chưa kịp thời. Hiện trong khu vực danh thắng Tràng An có trên 70.000 cư dân đang sinh sống, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn là thách thức hàng đầu, trong khi tỉnh chưa có đủ nguồn lực tài chính và quỹ đất để di dời dân sinh sống ở nhiều địa điểm nằm rải rác trong vùng lõi ra ngoài vùng đệm.

Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ di sản chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm dẫn đến một số vụ, việc xâm hại di sản chậm được phát hiện, xử lý chưa kịp thời, dứt điểm. Chế tài giám sát, kiểm tra và xử lý chưa đồng bộ; vụ việc xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ của Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An và hiện tượng xây dựng các cơ sở lưu trú (homestay) tại một số khu vực dân cư hiện hữu nằm trong vùng lõi di sản đã làm ảnh hưởng tới cảnh quan chung của di sản...

Đoàn khảo sát tại Khu du lịch sinh thái Tràng An

Theo ông Bùi Quang Ninh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là số lượng cư dân sinh sống trong khu vực lõi của di sản; một số quy định về bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong Luật Di sản văn hóa đã và đang tác động trực tiếp đến sinh kế truyền thống của người dân. Vì thế, “đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về quản lý, bảo tồn di sản. Bố trí kinh phí phục vụ công tác tuần tra, giám sát các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính, quỹ đất để sớm di chuyển những hộ dân nằm rải rác trong vùng lõi di sản và hỗ trợ về nhà ở cho người dân trong các khu dân cư tập trung trong khu vực di sản”.

Đặc biệt, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Văn Mạnh đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý di sản hỗn hợp khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa; đồng thời làm rõ vùng lõi và vùng đệm của di sản để có ứng xử phù hợp...

* Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch của Quần thể danh thắng Tràng An.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác