SỚM HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ VỀ QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ QUỐC GIA

07/06/2023

Để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ phát triển, qua những ý kiến phản ánh, đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia; trong đó nghiên cứu rà soát để đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan.

ĐBQH LÝ ANH THƯ: CẦN GHI NHẬN KỊP THỜI VÀ CÓ CHÍNH SÁCH KHEN THƯỞNG HƠN NỮA VỚI NHÀ KHOA HỌC NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG HIỆU QUẢ

QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Quốc hội thực hiện phiên chất vấn về nhóm vấn đề lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhưng hiện nay vẫn hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đây là những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ngày 07/6 với mong muốn Bộ trưởng có giải pháp căn cơ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế

Đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cho đến nay là gần 10 năm thành lập Quỹ nhưng tình trạng thiếu tiền, thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực dành cho khoa học, công nghệ còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng quỹ, cơ cấu chi của quỹ còn bất hợp lý,nội dung chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%. Trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các doanh nghiệp. Là cơ quan tham mưu của Chính phủ về nội dung này, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ như thế nào và giải pháp để khắc phục tình trạng trên ra sao?

Đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác định Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ được xem như là nhiệm vụ quan trọng đối với việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật ở nước ta, đặc biệt trong hỗ trợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, trong thời gian qua, Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ này rất chậm giải ngân, phê duyệt quỹ này rất khó. Những nhà khoa học đã tiếp cận nhận được quỹ này để áp dụng trong khoa học, công nghệ thì khó khăn. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ nói rõ thêm nội dung này.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, ngoài Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ của Nhà nước ra thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc tham via vào Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Khoa học, Công nghệ, hằng năm chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp tham gia vào Quỹ này. Đặc biệt, khối doanh nghiệp FDI cũng không tích cực tham gia vào Quỹ.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Với dẫn chứng đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ hơn về nội dung này để cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào khoa học công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động và tăng chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh sản phẩm của họ trên thị trường.

Sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách thu hút được các doanh nghiệp trích lập quỹ

Trước những chất vấn của các ĐBQH đối với Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo quy định của luật thì Quỹ Phát triển khoa học công nghệ ở doanh nghiệp được thành lập và doanh nghiệp được quyền trích kinh phí của mình cho quỹ này. Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ khuyến khích doanh nghiệp ngoài Nhà nước, còn doanh nghiệp Nhà nước phải đạt đủ điều kiện bắt buộc với tỉ lệ từ 3-10%. Số liệu thống kê thì trong giai đoạn 2015-2021, tổng số doanh nghiệp tích lũy là 1.281, chiếm khoảng 0,14% trên tổng số các doanh nghiệp của cả nước. Giải ngân đến nay mới chỉ đạt 60% số tiền mà các doanh nghiệp đã trích lập.

Chỉ các doanh nghiệp lớn thì trích quỹ mới có giá trị tương đối lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc trích quỹ rất khó khăn về nguồn lực cũng như phương thức sử dụng quỹ này thế nào cho hiệu quả. Các quy định chúng ta còn vướng mắc, khó khăn, không thu hút được các doanh nghiệp thiết lập quỹ, ngay cả các doanh nghiệp FDI rất có điều kiện để trích lập quỹ nhưng họ thấy tính hấp dẫn của quỹ chưa cao, cho nên đến nay các tập đoàn lớn chỉ sử dụng theo cách thức của họ, không thiết lập quỹ, kể cả các trung tâm của Samsung, Panasonic, LG… không trích lập quỹ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn tại Hội trường.

Nguyên nhân là do việc sử dụng quỹ hiện nay rất khó. Ví dụ, vấn đề mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho đổi mới công nghệ, phục vụ cho quá trình nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp đều rất khó. Mặc dù vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã ban hành những thông tư theo chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội. Tuy nhiên, 2 thông tư đó ban hành cho đến thời điểm này chưa có tính hấp dẫn cao, chưa thu hút thêm được nhiều các doanh nghiệp trích lập quỹ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới, Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ và Quốc hội để làm thế nào có những cơ chế, chính sách thu hút được các doanh nghiệp trích lập quỹ cũng như là sử dụng hiệu quả quỹ của mình. Đặc biệt là tiếp tục cho triển khai việc cho phép các doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc để đổi mới công nghệ cũng như phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh của đơn vị đó. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và phù hợp, tuy nhiên để tháo gỡ chúng ta cần phải xem xét lại quy trình, thủ tục cũng như các quy chế về hoạt động của quỹ này.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia

Phát biểu kết luận về nội dung phiên thảo luận và nội dung các ĐBQH nêu về Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Qua báo cáo và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành Khoa học công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai tích cực, hoàn thành 8/11 mục tiêu quan trọng đề ra; đã ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đây là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hành lang pháp lý về phát triển khoa học công nghệ ngày càng hoàn thiện. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho khoa học công nghệ được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; khoa học cơ bản đạt nhiều thành tựu; khoa học công nghệ ứng dụng có những bước tiến rõ nét. Đã chú trọng, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, đẩy nhanh việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung chất vấn về lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Thị trường khoa học công nghệ phát triển còn chậm, ít có tổ chức trung gian uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung - cầu. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong giai đoạn hình thành, chưa đồng bộ, hiệu quả. Phát triển các loại hình khu công nghệ cao chưa như kỳ vọng. Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhưng hiện nay vẫn hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ tuy tăng số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị qua phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế. 

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tập trung vào những vấn đề chính. Theo đó, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học công nghệ công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức. Có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ cao. Chú trọng hơn việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới; công bố công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra tại Việt Nam từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. 

Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ và đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài. Hoàn thiện quy định về khu công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp thúc đẩy phát triển các loại hình khu chức năng. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia; trong đó nghiên cứu rà soát để đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ khoa học công nghệ, nhất là dịch vụ tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng./.

Bích Lan