QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023
Trước đó tại phiên làm việc sáng 27/5, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân
Theo Tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, tính chất đặc thù của lực lượng công an nhân dân thì cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật Công an nhân dân cho phù hợp. Ngoài ra, về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2018 nhưng chưa cụ thể nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập. Quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân còn một số vướng mắc.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân để thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là cần thiết.
Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ cho thấy đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân và nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận
Điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp toàn thể hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau.
Điểm lại những nội dung lớn của dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận tổ trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết về sự cần thiết ban hành luật, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ sở chính trị, sự cấp thiết ban hành luật và lý do đề nghị Quốc hội thông qua luật này tại một kỳ họp. Về hồ sơ dự án luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, đánh giá tác động của các chính sách và đề nghị lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất.
Về quy định xét thăng bậc hàm trước thời hạn khi lập thành tích đặc biệt xuất sắc. Đa số ý kiến nhất trí về việc bổ sung quy định này. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ hơn về thực tiễn áp dụng, có ý kiến đề nghị rà soát các lĩnh vực lập thành tích đặc biệt xuất sắc cho đầy đủ và phù hợp, bổ sung lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong giảng dạy, khám chữa bệnh…trong lực lượng công an nhân dân. Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện được thăng bậc quân hàm cấp tướng trước thời hạn ngay trong luật cho chặt chẽ. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí, tiêu chuẩn chung để thăng bậc quân hàm trước niên hạn.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật về vị trí sĩ quan công an có cấp bậc quân hàm là cấp tướng; quy định bổ sung vị trí có cấp bậc quân hàm là Đại tá. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định vị trí có cấp bậc cao nhất là trung tướng, thiếu tướng do chưa được cụ thể trong luật này, quy định cấp bậc hàm tướng đối với các đơn vị thành lập mới và làm rõ quy trình thực hiện.
Về quy định vị trí có bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỹ một số vị trí có cấp bậc hàm là thiếu tướng. Có ý kiến đề nghị bổ sung một Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là thiếu tướng, giảm cấp tướng đối với Phó Cục trưởng và tương đương, tăng số lượng cấp tướng cho Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố loại 1 và miền núi biên giới, hải đảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về quy định hạn tuổi phục vụ công an nhân dân và hạ sĩ quan, sĩ quan công an nhân dân, đa số nhất trí với quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan công an nhân dân theo hướng điều chỉnh chung là tăng 2 tuổi. Trong đó nữ thượng tá tăng thêm 3 tuổi và nữ đại tá tăng thêm 5 tuổi. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ thêm về đánh giá tác động đối với tăng độ tuổi này. Đề nghị cân nhắc nội dung trường hợp đặc biệt được kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền cho rõ ràng. Có ý kiến đề nghị quy định thống nhất với Bộ luật Lao động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lân – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ có báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Một số hình ảnh trong phiên thảo luận:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm - Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo tham dự phiên thảo luận
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai