ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI LÊN TIẾNG VÌ KHÓ KHĂN CỦA DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG, ĐỀ NGHỊ SỚM CÓ GIẢI PHÁP GỠ KHÓ

31/05/2023

Ngày 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động được các đại biểu chỉ rõ thực trạng, phân tích nguyên nhân. Các đại biểu kiến nghị cần có những giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 31/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Vô vàn khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nêu rõ, nhìn lại những kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 là rất đáng phấn khởi, nhưng những kết quả đạt được đầu năm 2023 thì lại rất đáng quan ngại. Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, điều đáng quan ngại lớn nhất hiện nay là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang cố thoi thóp để tồn tại khi khó khăn đang bủa vây.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị 

Đại biểu cho biết, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng lên. Doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm. Ví như hiện nay các tập đoàn Thái Lan đã sở hữu rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và thu hàng tỷ USD tiền cổ tức từ các doanh nghiệp đứng đầu này khiến cho nền kinh tế, nền sản xuất vốn đã ốm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trở nên rất mong manh.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 25,1% tương ứng với gần 77.000 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản, trong khi chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn hẹp. Khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội. Số lao động mất việc làm trong quý 1/2023 là 149.000 lao động, tăng 39.000 lao động so với quý 1/2022.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà cho rằng xu hướng doanh nghiệp thiếu đơn hàng tăng, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Dẫn lại kết quả khảo sát của VCCI, những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, bao gồm cả tín dụng, nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng đây cũng là một trong những yếu tố làm cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Theo đại biểu Đặng Xuân Phương – Đoàn ĐBQH Nghệ An, điều cấp bách nhất lúc này chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước. Làm sao để việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội phải được cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Đại biểu Đặng Xuân Phương phản ánh, điều đáng lo ngại với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn dựa vào nhân công giá rẻ là không chỉ các đơn hàng phi thiết yếu như dịch vụ du lịch giảm mạnh mà ngay cả lượng đơn hàng của các mặt hàng thiết yếu như giày dép, quần áo, nông sản chất lượng cao cũng giảm theo. Đại biểu cho biết thêm, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt lúc này là vấn đề đơn hàng chiếm 59,2%, sau đó mới đến khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay chiếm 51,1%. Còn những khó khăn về thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật thì chiếm 45,3%.

Đại biểu Đặng Xuân Phương – Đoàn ĐBQH Nghệ An

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phản ánh sau thời gian dịch bệnh, do kinh tế khó khăn, hầu hết mọi người phải thắt chặt chi tiêu và do đứt gãy nguồn cung ứng nên người nuôi tôm không tiêu thụ được sản phẩm hoặc phải bán với giá rất rẻ. Trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên sản phẩm bán ra không đủ để bù đắp chi phí đầu vào, dẫn đến nhiều hộ nuôi tôm đang lao đao, có nguy cơ vỡ nợ và nghèo hóa. Tình hình kinh doanh ngành thủy sản cũng không khá hơn khi nhiều công ty, xí nghiệp đang bị kiệt sức đã phải đóng cửa, một số khác phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ hoặc co hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho biết, không chỉ có doanh nghiệp thủy sản mà doanh nghiệp các ngành khác cũng trong tình trạng tương tự. Từ cuối năm 2022 đến nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến từng dòng người lũ lượt về quê do thiếu việc làm. Điều này sẽ làm tiềm ẩn khó khăn vì an sinh và trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng chỉ rõ tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động. Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất, khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính. Hơn nữa, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp họ còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, khủng hoảng về tinh thần, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu đặt vấn đề, liệu rằng Chính phủ đã dự liệu giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro từ tình trạng trên hay chưa, bởi điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế quốc gia. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nhấn mạnh, tại thời điểm này, người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc cần thiết tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, người làm chính sách cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm của chính sách và lấy quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đâu là nguyên nhân?

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, vòng kim cô của các quy định pháp luật càng siết chặt. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên năm thì nay đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng cháy, chữa cháy, những ách tắc trong các kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những cú bồi khiến cho doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà của chính mình.

Doanh nghiệp khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận. Tất cả những vấn đề trên đây chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ trong bức tranh kinh tế, còn màu xám càng thấy doanh nghiệp đang đứng trước vô vàn khó khăn mà Quốc hội cần biết, Chính phủ cần thấy rõ để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn này.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau 

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, thực trạng trên là có nguyên nhân từ suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng một phần đến từ các vấn đề nội tại mà điều đầu tiên là do tắc nghẽn dòng vốn khi mặt bằng lãi suất tăng nhanh từ tháng 7/2022 với lãi suất trung bình 12% năm, thậm chí có nơi lên đến 14% năm. Mặc dù thế, việc tiếp cận các dòng tiền này cũng không hề dễ dàng gì vì các ngân hàng lo ngại rủi ro vay thương mại.

Dòng vốn ưu đãi thuộc chương trình phục hồi kinh tế cũng tắc nghẽn. Việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thì đến hết tháng 3 chính sách này mới giải ngân đạt 0,8% trên tổng số vốn. Nhiều dự án vướng về mặt pháp lý, thủ tục phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ và thời gian. Mặt khác là do mâu thuẫn hoặc không rõ ràng trong chính sách cả bên cho vay và bên vay không mặn mà trong việc thực hiện.

Tháo gỡ ngay điểm nghẽn để khơi thông dòng vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội hay tự thân có các chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp và rà soát các bất cập để tiếp tục thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi kinh tế, rà soát, loại bỏ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Nhấn mạnh, doanh nghiệp ví như xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển doanh nghiệp để doanh nghiệp phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh. Do đó, trước mắt, rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, như giảm lãi suất ngân hàng; giảm tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi suất, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.

Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH Sóc Trăng

Theo đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH Sóc Trăng, trước những vấn đề đặt ra buộc Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp; cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Đại biểu Tô Ái Vang cũng đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV.

Bảo Yến