SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: KHÔNG CHỒNG CHÉO, MÂU THUẪN VỚI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

30/05/2023

Tham gia đóng góp ý kiến thẩm tra dự án luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phân định rõ, Luật Đấu giá tài sản quy định về trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, Luật Đất đai quy định về các trường hợp, điều kiện thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên phạm vi cả nước về dự án Luật này. Công tác tổng hợp, tiếp thu thông tin, phản hồi, ý kiến, kiến nghị của nhân dân về dự án luật đang được triển khai tích cực.

Không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đấu giá tài sản

Tham gia thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, các khoản tại Điều 121 quy định về các điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị thống nhất với nguyên tắc áp dụng luật đã nêu tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Luật. Theo đó, Luật Đấu giá tài sản quy định về trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, Luật Đất đai quy định về các trường hợp, điều kiện thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cần quy định cụ thể về điều kiện tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), không nên dẫn chiếu “điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản” tại điểm c khoản 3 Điều 121 để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của các luật, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Điểm b khoản 3 Điều 121 yêu cầu tổ chức tham gia đấu giá phải có điều kiện về “năng lực, kinh nghiệm trong việc phát triển dự án”, Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, quy định như Dự thảo là không rõ ràng, còn chung chung, chưa rõ là năng lực chuyên môn hay năng lực về tài chính, kinh nghiệm như thế nào (đã thực hiện bao nhiêu dự án, quy mô dự án…). Mặt khác, việc quy định về năng lực, kinh nghiệm trong phát triển dự án sẽ không khuyến khích các tổ chức khởi nghiệp, sáng tạo.

Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị rà soát điều kiện quy định tại điểm d và đ khoản 3 Điều 121, làm rõ người trúng đấu giá trong trường hợp này, vì nội dung tại điều này quy định về điều kiện đối với tổ chức tham gia đấu giá; đồng thời cần quy định rõ nhà đầu tư quy định tại điểm d phải là tổ chức tham gia đấu giá ban đầu để cam kết thực hiện đúng tiến độ của dự án và không phải là các nhà đầu tư thứ cấp, nhận chuyển nhượng của nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Các đại biểu tại phiên họp

Trong thực tiễn có trường hợp đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, đất do Nhà nước thu hồi khi sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng nằm xen kẹt trong dự án thuộc diện phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Nếu phải đấu giá riêng theo quy định này sẽ dẫn đến vướng mắc, không bảo đảm tính khả thi. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần có quy định đối với trường hợp này không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Bổ sung “dịch bệnh” là một trường hợp cần thiết trưng dụng đất

Cùng tham gia thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về giá đất, theo đó, chỉ nên quy định nguyên tắc mà không nên quy định quá chi tiết. Tuy nhiên, so với quy định tại khoản 3 Điều 153 của dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân, khoản 6 Điều 154 của dự thảo Luật được chỉnh lý không quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất. Trong khi yêu cầu cần phải có hệ thống cơ sở dữ liệu về giá đất là yếu tố quan trọng, quyết định việc xây dựng được giá đất phù hợp với thị trường. Vì vậy, đề nghị cân nhắc quy định này theo hướng tạo cơ sở và đề cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.

Về trưng dụng đất, khoản 5 Điều 14 của dự thảo Luật quy định Nhà nước “Quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Điều 14 quy định về các quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai, do đó chỉ nên liệt kê quyền “Quyết định trưng dụng đất” tại khoản 5, còn các trường hợp cụ thể thực hiện quyền này thì quy định tại Điều 85 của dự thảo Luật, tương tự như khoản 4 Điều 14 chỉ quy định là “Quyết định thu hồi đất” mà không nêu thu hồi đất trong các trường hợp nào.

Về các trường hợp trưng dụng đất: Khoản 1 Điều 85 của dự thảo Luật quy định “1. Nhà nước trưng dụng đất trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 14 của Luật này”. Thườn trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chuyển nội dung có liên quan đến các trường hợp trưng dụng đất tại khoản 5 Điều 14 xuống khoản 1 Điều 85 thay cho quy định dẫn chiếu.

Về các trường hợp trưng dụng đất cụ thể, khoản 4 Điều 54 của Hiến pháp quy định “Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai”. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc bổ sung “dịch bệnh” là một trường hợp trưng dụng đất để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh trong thời gian vừa qua, tuy nhiên cần giới hạn mức độ, quy mô để bảo đảm chặt chẽ. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc bổ sung cụm từ “dịch bệnh” là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Về thẩm quyền trưng dụng đất, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, khoản 3 Điều 85 của dự thảo Luật quy định người có thẩm quyền trưng dụng đất bao gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. So với khoản 3 Điều 72 của Luật Đất đai hiện hành, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính, bỏ thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Quy định này để bảo đảm phù hợp với khoản 1 Điều 24 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Tuy nhiên, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản được ban hành năm 2008, trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, do đó việc căn cứ vào thẩm quyền trong Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản để sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền trưng dụng đất là chưa thực sự phù hợp. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát kỹ về thẩm quyền trưng dụng đất để bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp với đặc thù tài sản trưng dụng là quyền sử dụng đất.

Minh Hùng