TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID -19; THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 29/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID -19; Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường
Tại phiên họp toàn thể hội trường, các đại biểu đã nghe trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xem video clip về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Trước đó, hồ sơ của Báo cáo kết quả giám sát và các tài liệu kèm theo đã được gửi trước đến các vị đại biểu Quốc hội với 124 trang báo cáo kèm theo 19 trang phụ lục số liệu. Các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố và Hội đồng nhân dân một số tỉnh/ thành phố với tổng số 15.659 trang tài liệu.
Trong quá trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trực tiếp Chủ tịch Quốc hội thường xuyên chỉ đạo rất sát sao. Đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc tại 10 tỉnh/thành phố và chia thành các nhóm công tác làm việc đến tận cơ sở ở cấp xã, cấp huyện và các đơn vị y tế cơ sở. Nhiều lần tổ chức các cuộc họp làm việc với lãnh đạo Chính phủ, 14 Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó trưởng Đoàn giám sát trình bày báo cáo
Giám sát tối cao lần này có phạm vi rộng với 2 nội dung chính là huy động quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 và thời gian giám sát là từ 1/1/2020 đến 31/12/2022 và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng và thời gian giám sát là 2018 – 2022, được các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về kết quả giám sát tổng hợp, nêu rõ những kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh những nội dung cần thiết, khả thi, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đưa ra các đề xuất, kiến nghị để vừa phát huy tốt nhất những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, vừa kịp thời xử lý có hiệu quả những vướng mắc, bất cập, hạn chế còn tồn tại qua giám sát để đảm bảo xử lý nhanh được các vấn đề tồn tại trước mắt cũng như vừa có tầm nhìn chiến lược dài hạn, khả thi. Các đại biểu cũng góp ý vào dự thảo Nghị quyết giám sát để bảo đảm nghị quyết khái quát hết các kết quả, thành tựu, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các giải pháp với các nhóm giải pháp có tính chiến lược dài hạn và các nhóm giải pháp cần phải thực hiện ngay trước mắt, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, các cơ quan với thời hạn cụ thể để thực hiện những nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Đình điều hành phiên họp
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát đã gửi lời cảm ơn trân trọng các kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội; cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân, các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương đã phối hợp tốt cùng các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giúp cho Đoàn giám sát hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương đã có 48 đại biểu phát biểu ý kiến, đại diện cho Chính phủ có 3 Bộ trưởng, đồng thời cũng là đại biểu Quốc hội đã phát biểu tiếp thu, giải trình nhiều ý kiến cụ thể.
Không khí thảo luận ngày làm việc của Quốc hội rất dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, nhiều nội dung, ý kiến phong phú, sâu sắc, toàn diện, có giá trị cao cả về mặt nhận thức lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội đối với nội dung giám sát.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại hội trường Diên Hồng
Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát này là thiết thực, kịp thời, hiệu quả, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của Đoàn giám sát cùng các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, chính quyền cấp ủy địa phương các cấp trong việc thực hiện giám sát, góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội.
Các ý kiến phát biểu của đại biểu cơ bản tán thành với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết, đồng thời phân tích làm sâu sắc thêm nhiều nội dung cụ thể về tình hình, kết quả tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các giải pháp sắp tới cả về trước mắt và lâu dài.
Quốc hội đánh giá việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế, cơ sở y tế dự phòng thời gian vừa qua luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh. Đồng thời, đã đóng góp rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu xem trình chiếu phóng sự về nội dung giám sát
Quốc hội khẳng định quyết tâm chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để đất nước ta chiến thắng đại dịch COVID-19. Sự nỗ lực của Chính phủ, của chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, tổ chức xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và của cộng đồng quốc tế. Cùng với sự tự giác chấp hành và hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau trong toàn dân, tất cả các tổ chức xã hội đã đóng góp rất quan trọng, ý nghĩa vào thành công trong phòng chống đại dịch. Coi đây là sự chiến thắng của toàn thể Nhân dân ta, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.
Quốc hội tôn vinh, ghi nhận, trân trọng cảm ơn sự đóng góp to lớn cả về trí tuệ, tài sản, vật chất, công sức, tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tại cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội. Trong đó nhiều người đã hy sinh cả sức khỏe, quyền lợi của bản thân, quyền lợi của gia đình, thậm chí hy sinh xương máu và tính mạng vì sự nghiệp phòng chống đại dịch, vì sức khỏe của Nhân dân. Nhiều người đã ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại. Đó là những tấm lòng cao cả, những đóng góp công lao vô cùng to lớn mà cả nước ta, Nhân dân ta luôn ghi nhớ và tôn vinh, đó cũng là truyền thống đạo lý tốt đẹp, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật, huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập cả ở khâu xây dựng pháp luật lẫn khâu tổ chức thực hiện. Quốc hội đã phân tích sâu sắc thêm những tồn tại, hạn chế này và chỉ ra nhiều nguyên nhân, làm rõ hơn trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế và thống nhất cần có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội cơ bản thể hiện sự nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết giám sát của Quốc hội. Đồng thời góp ý kiến sâu sắc, toàn diện và trực tiếp vào các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết từ đánh giá thực trạng, nguyên nhân, kinh nghiệm, giải pháp và giao trách nhiệm cho các cơ quan để tổ chức thực hiện với thời hạn, lộ trình, bước đi và yêu cầu cụ thể đáp ứng cả trước mắt và lâu dài, cả xây và chống, cả tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm công minh, đúng pháp luật, phù hợp với bối cảnh thực tế cả trong lĩnh vực huy động quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 và trong chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đã được các cơ quan tập hợp ghi chép đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đến từng đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu và tổ chức thực hiện theo chức năng.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp này./.