Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Qua các ý kiến thảo luận tại tổ, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải ban hành các Luật về xuất nhập cảnh, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; kịp thời khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, để phù hợp với các quy định mới của các luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Góp ý về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành nhưng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của Luật có liên quan như Luật Căn cước công dân, Luật Nhà ở, Luật Giao dịch điện tử…để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đối với quy định các loại giấy tờ xuất nhập cảnh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cần quy định rõ “Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” là những loại giấy tờ nào để dễ thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch và đảm bảo quyền công dân được Hiến pháp bảo hộ. Đại biểu thống nhất cao với việc bổ sung “nơi sinh” vào thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc nhập cảnh của công dân Việt Nam vào một số quốc gia thời gian qua do thiếu thông tin về nơi sinh trên hộ chiếu.
Đối với quy định về các loại giấy tờ có liên quan mà người dân phải nộp để cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, theo quy định của Luật Căn cước công dân, hệ thống thông tin dữ liệu cá nhân và các hệ thống dữ liệu chuyên ngành phải có sự liên thông với nhau, vì vậy, đề nghị các loại giấy tờ, thông tin cá nhân nào đã có dữ liệu lưu trữ, dữ liệu liên thông thì không nên yêu cầu công dân phải nộp để giảm phiền hà cho người dân.
Đối với quy định “hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn nhận hộ chiếu mà không đến nhận hộ chiếu”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị nếu quá 06 tháng mà công dân không đến nhận theo phiếu hẹn thì hộ chiếu sẽ bị hủy, vì thời gian 12 tháng là khá dài, diện mạo hoặc nhân thân của người xin cấp hộ chiếu có thể đã thay đổi.
Đại biểu Lê Quang Đạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tư lệnh Cánh sát biển Việt Nam
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại biểu Lê Quang Đạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, nếu không quy định cụ thể, tỉ mỉ thì sẽ rất vướng. Qua nghiên cứu dự án Luật với chính sách thứ tư là nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội với 5 khoản tại Điều 2 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 53 về khai báo tạm trú, khoản 8, Điều 2 của Luật sửa đổi; Điều 45 a về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đại biểu Lê Quang Đạo nhận thấy, nội dung này hết sức quan trọng và cho rằng, quy định công an mới có thẩm quyền tiếp nhận, khai báo, tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài thì chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Tại Báo cáo số 585 ngày 25/4 tiếp thu, giải trình và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về hồ sơ bổ sung của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài, Bộ Công an cho rằng thống nhất một đầu mối để tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm. Đại biểu Lê Quạng Đạo cho rằng, quy định như vậy không phù hợp; thống nhất chỉ công an được khai báo như vậy thì càng khó.
Với các quy định của điều ước quốc tế song phương và đa phương, quan điểm về quy chế biên giới giữa ta và Lào và các nội dung có liên quan đến khu vực biên giới trên biển, biên giới trên bộ và các đơn vị như cảnh sát biển Việt Nam, bộ đội biên phòng đã có luật, được giao nhiệm vụ về đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật và có quyền được bắt giữ, khởi tố các vụ việc liên quan đến thẩm quyền của mình. Do vậy, đại biểu Lê Quang Đạo đề nghị khoản 5 Điều 2 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 33 về việc khai báo tạm trú vào khoản 8 Điều 2 dự thảo luật sửa đổi; bổ sung Điều 45a về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bổ sung thêm cụm từ "hoặc đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu nơi gần nhất" sau cụm từ "đồn, trạm công an".
Đại biểu Lê Quang Đạo cũng cơ bản nhất trí với những nội dung và cho rằng, khi được bổ sung nội dung này vào thì sẽ phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định, hiệp ước song phương giữa ta với các nước, không bị chồng chéo với các luật như Luật Biên phòng, Luật Cảnh sát biển và các luật khác.
Đại biểu Võ Văn Hội - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Cùng quan tâm dự thảo Luật này, đại biểu Võ Văn Hội - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, đối với các quy định về khai báo tạm trú của người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam, trong dự thảo Luật chỉ yêu cầu khai báo cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú là chưa đầy đủ. Đối với các khu vực biên giới, hải đảo, đại biểu Võ Văn Hội đề nghị việc tạm trú của người nước ngoài phải khai báo cho cả Công an và Biên phòng trên địa bàn để hai lực lượng này phối hợp quản lý cho chặt chẽ.
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành các dự án Luật này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc được nêu trong Tờ trình của dự án Luật, Báo cáo tổng kết thi hành Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Về báo cáo đánh giá tác động chính sách, đại biểu Trần Thị Hồng An cho biết, về cơ bản, dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách đã trình bày được các nội dung đánh giá đối với từng chính sách, tuy nhiên cách đánh giá tác động của phương án lựa chọn khá đơn giản, chủ yếu mang tính chất định tính, số định lượng cụ thể còn thiếu.
Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
Bên cạnh đó, việc đánh giá tác động về mặt xã hội của các chính sách cũng mới chỉ dừng lại ở việc nêu nội dung, việc phân tích, đánh giá chưa cụ thể, mới chỉ tập trung nêu lên những mặt ưu điểm của chính sách, còn mặt hạn chế chưa được tập trung phân tích, cụ thể. Chính sách về cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử, đại biểu Trần Thị Hồng An cho rằng, chính sách này sẽ tạo thuận lợi cho đối tượng người dân ở đô thị, có trình độ hiểu biết, tiếp cận công nghệ thông tin cao, giúp giảm thời gian, thủ tục... cho người dân. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ đánh giá tác động đối với những đối tượng này.
Về Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật, đại biểu Trần Thị Hồng An nhận thấy, trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh vẫn có những yếu tố liên quan đến giới như: tác động của các chính sách mới đến các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội (phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số...); bảo đảm bảo mật thông tin của người dân... Vì vậy, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động về giới để bảo đảm tính bao quát của dự án Luật.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung khoản 5 Điều 10 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng: “Thị thực điện tử cho người nước ngoài có hộ chiếu và không thuộc diện quy định tại các khoản 1,2,3 và 4 của Điều 8 Luật này.
Đại biểu Trần Thị Hồng An cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát đề đảm bảo tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật với các luật hiện hành, tính thống nhất của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực có liên quan đến nội dung dự thảo; tính tương thích với các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên./.