THÀNH LẬP QUỸ PHÒNG THỦ DÂN SỰ: ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẤP THIẾT TRONG KHẮC PHỤC SỰ CỐ, THẢM HỌA

28/05/2023

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, phòng thủ dân sự không chỉ khắc phục mà còn là phòng ngừa. Do đó, việc thành lập Quỹ là công tác chuẩn bị cho phòng thủ dân sự từ sớm, từ xa trước khi xảy ra thảm họa, sự cố; bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Quang cảnh phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật Phòng thủ dân sự và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 07 chương với 57 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật lần này đã được bổ sung 04 điều, bỏ 15 điều và chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp ở 46 điều, sắp xếp, bố cục lại một số điều trong các chương.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, do quy định về Quỹ phòng thủ dân sự tại Điều 41 vẫn còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Cụ thể:

Phương án 1: Giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp. Theo đó, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời. Hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Thực tiễn cho thấy, nếu có Quỹ sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.

Phương án 2: Quy định: “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.” Bởi, hằng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí bao gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi như dự thảo Luật, trong khi Quỹ chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Đóng góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ nhất trí với phương án 1 với các lý do đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, hầu hết các lĩnh vực hiện nay đều có quy định việc thành lập Quỹ nhưng mô hình, nguyên tắc hoạt động, mục đích hoạt động, nguồn tài chính và phương thức huy động tài chính không thống nhất. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc luật chỉ quy định thành lập quỹ, còn các nội dung khác sẽ ban hành văn bản quy định riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Đại biểu Hà Thọ Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, việc lựa chọn phương án 1 là phù hợp, đảm tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa. Theo đại biểu, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi hoạt động rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia nhằm bảo vệ nhân dân, cơ quan và tổ chức nền kinh tế quốc dân, hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa thiên tai và dịch bệnh.

Đại biểu Hà Thọ Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Việc lập Quỹ cũng sẽ góp phần thể chế hóa Nghị quyết 22-NQ/TW 2022 của Bộ Chính trị. Theo đó, phòng thủ dân sự phải chủ động từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai và dịch bệnh. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân để phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, thực hiện tốt bốn phương châm tại chỗ, kết hợp với chi viện và hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế.

Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời mà yêu cầu tài lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra là rất lớn và cấp thiết, để góp phần hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của sự cố và thảm họa. Mặt khác, thực tiễn cho thấy, nếu có Quỹ sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, làm giảm thiểu thiệt hại sự cố, thảm họa gây ra.

Dẫn chứng ví dụ thực tế đại dịch COVID-19 thời gian qua, đại biểu cho rằng, nếu có Quỹ phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực mà không phải thành lập Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19. Đối với quân đội, trong tác chiến luôn phải có lực lượng dự bị, sẵn sàng xử lý các tình huống trong quá trình tác chiến. Do đó, Quỹ phòng thủ dân sự cũng được coi như lực lượng dự bị, nguồn dự bị để sẵn sàng khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong tình hình hiện nay và tương lai.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Cũng lựa chọn phương án trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nhận thấy, việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự chính là công tác chuẩn bị cho phòng thủ dân sự từ sớm, từ trước khi xảy ra sự cố, thảm họa và đúng với tinh thần của Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu. Bên cạnh đó, mục đích hoạt động của Quỹ là ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố và thảm họa gây ra. Quy định này là phù hợp, vì với sự có sẵn của nguồn lực có thể cung ứng ngay lập tức các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị thiệt hại đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe. Nếu Quỹ chỉ được thành lập sau khi sự cố, thảm họa xảy ra sẽ không đáp ứng được yêu cầu cung ứng ngay và kịp thời, dễ dẫn đến khả năng thiệt hại về người sẽ cao hơn. Do đó, đại biểu cho rằng, nên thành lập Quỹ phòng thủ dân sự trước khi sự cố, thảm họa xảy ra để thực hiện tốt mục đích bảo vệ Nhân dân.

Cùng với đó, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết, trong phòng thủ dân sự cần chú ý những hậu quả do sự cố, thảm họa xảy ra rất nhanh như động đất, sóng thần,… Những sự cố đó chỉ xảy ra bằng phút, có khi vài giờ nhưng hậu quả hết sức nặng nề, có thể hàng trăm người chết và hàng ngàn người vô gia cư. Do đó, cần phải có một nguồn để tổ chức khắc phục ngay, không cần phải chờ đợi.

Đại biểu cũng cho biết, phòng thủ dân sự không chỉ là khắc phục, mà còn là phòng ngừa. Phải luôn đặt trong tâm thế thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị về nguồn lực trước, trong đó có Quỹ để có thể đáp ứng việc phòng ngừa này, nên việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh tình trạng làm tăng biên chế, tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 18 của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc trong hoạt động của Quỹ, đó là không làm tăng tổ chức, biên chế của bộ máy./.

Minh Thành