THÀNH LẬP QUỸ PHÒNG THỦ DÂN SỰ: CẦN THIẾT NHƯNG PHẢI ĐẢM BẢO QUẢN LÝ HIỆU QUẢ, KHÔNG ĐỂ THẤT THOÁT

24/05/2023

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất với sự cần thiết thành lập Quỹ, đồng thời nhấn mạnh, trong công tác quản lý Quỹ cần phải đảm bảo hiệu quả, không để thất thoát.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật Phòng thủ dân sự và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 07 chương với 57 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật lần này đã được bổ sung 04 điều, bỏ 15 điều và chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp ở 46 điều, sắp xếp, bố cục lại một số điều trong các chương.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, do quy định về Quỹ phòng thủ dân sự tại Điều 41 vẫn còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Cụ thể:

Phương án 1: Giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp. Theo đó, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.

Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời. Hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Thực tiễn cho thấy, nếu có Quỹ sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.

Phương án 2: Quy định: “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.” Bởi, hằng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí bao gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi như dự thảo Luật, trong khi Quỹ chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tán thành với Phương án 1, đề nghị giữ như quy định của dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Tham gia đóng góp ý kiến đối với nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông lựa chọn phương án 1 theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đại biểu, khoản 4 Điều 3 về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sư quy định “phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa” đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính là một nguồn lực rất quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra. Đại biểu nêu rõ, không thể để “nước đến chân rồi nhảy không kịp”, tuy nhiên, trong công tác quản lý cần phải đảm bảo hiệu quả, không để thất thoát.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Chau Chắc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nêu rõ, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng trong đời sống xã hội như trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Những hoạt động trên diễn ra với không gian rất rộng, thời gian diễn ra rất nhanh, tính chất, mức độ, cấp độ khác nhau rất phức tạp liên quan đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của tổ chức, của nhà nước và môi trường của đất nước.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Bên cạnh đó, thực tiễn trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh,... việc chuẩn bị lực lượng dự bị tốt, công tác hậu phương tốt luôn chủ động trong mọi tình huống, không bị động, bất ngờ sẽ giành thắng lợi cao và ngược lại. Do đó, đại biểu cho rằng, việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự sẽ tạo ra nguồn lực lớn, góp phần giúp ngân sách nhà nước khi thiếu hoặc không kịp thời để khắc phục thảm họa sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường của quốc gia. Mặt khác, phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước. Nếu Quỹ này được Quốc hội thông qua sẽ góp phần cho phòng thủ dân sự của đất nước hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời góp phần thể chế hóa Nghị quyết 22 ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị, đó là phòng thủ dân sự phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố thiên tai, dịch bệnh…

Cũng lựa chọn phương án 1, đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nhận định, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia nhằm bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Quỹ cũng thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài lực khi có thảm họa, sự cố xảy ra là rất lớn, cấp thiết và rất khẩn trương để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thảm họa, sự cố. Thực tiễn cho thấy, nếu có Quỹ phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra như công tác huy động nguồn lực từ người dân, kiều bào, hoạt động phòng, chống dịch COVID tại Việt Nam năm 2020, 2021 vừa qua và công tác hỗ trợ khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ của Chính phủ Việt Nam đầu năm 2023./.

Minh Thành