QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 16/5/2023

16/05/2023

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận báo cáo kiểm điểm cá nhân của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ mười ba; Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang; Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với Bộ GD&ĐT..." là những hoạt động đáng chú ý của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày 16/5/2023.

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI TỪ NGÀY 13/5 - 15/5/2023

* Ngày 16/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo kiểm điểm cá nhân của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị lần này, thời gian qua, Bộ Chính trị đã sát sao chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG THẢO LUẬN BÁO CÁO KIỂM ĐIỂM CÁ NHÂN CỦA CÁC ĐỒNG CHÍ ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ

* Để chuẩn bị cho nội dung cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 16/5, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ ủng hộ và cho rằng việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước. Các đại biểu cũng cho rằng phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực; một số chính sách mới, tác động trực tiếp đến ngân sách, đến đời sống, xã hội và chứa dựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành...

Xem nội dung chi tiết tại đây: CƠ CHẾ ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HỒ CHÍ MINH: CẦN CÓ NHỮNG CHÍNH SÁCH ĐỦ CHÍN, THỰC SỰ ĐỘT PHÁ, KHẢ THI

* Cũng trong buổi sáng ngày 16/5, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra, cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2023. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai chủ trì điều hành phiên họp.

Qua báo cáo của Chính phủ và giám sát thực tế, các đại biểu đã chỉ ra một số vấn đề nổi lên trong việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2022. Theo đó, công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2022 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2023 cũng như nhiều năm gần đây chưa sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và số đánh giá bổ sung...

Xem nội dung chi tiết tại đây: CẦN CÓ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC VIỆC LẬP DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHƯA SÁT THỰC TIỄN

* Sáng 16/5, tại tỉnh Bắc Giang, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng” đã làm việc với UBND, các đơn vị, tổ chức liên quan tại tỉnh Bắc Giang.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá cao hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều cải tiến trong đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập văn phòng công chứng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA UỶ BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BẮC GIANG

* Để chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 16/5, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn, cụ thể đối với các vấn đề trọng tâm, cơ bản của dự thảo Luật nhằm chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó, lưu ý các vấn đề quy định về: Quy tắc giao thông đường bộ; Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;…

Xem nội dung chi tiết tại đây: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

* Báo cáo tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông...

Xem nội dung chi tiết tại đây: NHIỀU NỘI DUNG MỚI TRONG DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

* Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ như: Quy định chung; Quy tắc giao thông đường bộ; Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;…

Xem nội dung chi tiết tại đây: HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

* Cho ý kiến tại Hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia nhấn mạnh, dự thảo đã có nhiều quy định mới liên quan đến biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để đảm bảo quy định khả thi, phát huy hiệu quả trên thực tiễn vẫn cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa hơn nữa quy định về giải quyết ùn tắc giao thông, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc thực hiện….

Xem nội dung chi tiết tại đây: CẦN CỤ THỂ HÓA QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT ÙN TẮC GIAO THÔNG

* Chiều 16/5, tại Nhà Quốc hội, Tổ Công tác của Đoàn giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, Ủy viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ Công tác làm Trưởng đoàn làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua thảo luận, Tổ Công tác của Đoàn giám sát đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng nỗ lực, nghiêm túc gửi Báo cáo cho Tổ Công tác, cơ bản bám sát đề cương của Đoàn giám sát, nêu rõ những mặt được, chưa được, những hạn chế, bất cập, đồng thời đề xuất kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Thời gian gửi Báo cáo của Bộ đảm bảo yêu cầu, tiến độ của Đoàn giám sát.

Xem nội dung chi tiết tại đây: 

- PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC TRẦN THỊ HOA RY: ĐỀ NGHỊ BỘ GD&ĐT RÀ SOÁT, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NHỮNG QUY ĐỊNH CHƯA PHÙ HỢP KHI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CTMTQG

- TỔ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CTMTQG

* Chiều ngày 16/5, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn đã tiếp Đại sứ Cộng hòa Bờ Biển Ngà tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam Dosso Adama.

Chào mừng Đại sứ Cộng hòa Bờ Biển Ngà tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam Dosso Adama tới thăm và làm việc tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn nêu rõ, Việt Nam đánh giá rất cao mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước trong gần 50 năm qua đã phát triển rất tốt đẹp, đặc biệt tại các diễn đàn đa phương quốc tế quan trọng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI TIẾP ĐẠI SỨ BỜ BIỂN NGÀ TẠI TRUNG QUỐC KIÊM NHIỆM VIỆT NAM

* Chiều 16/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp thẩm tra, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn chủ trì điều hành phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH THẨM TRA KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2022

* Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn hiện nay.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH THẨM TRA VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

* Để chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 16/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đường bộ”.

Tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn, cụ thể đối với các vấn đề trọng tâm, cơ bản của dự thảo Luật nhằm chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Xem nội dung chi tiết tại đây: HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ

* Báo cáo tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

Xem nội dung chi tiết tại đây: DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ: QUY ĐỊNH RÕ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI VÀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI NỘI BỘ

* Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đường bộ như: Phạm vi điều chỉnh; quy định về đường bộ, kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; quy định về đầu tư, xây dựng, bảo trì, vận hành, khai thác công trình đường bộ;… Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý đối với quy định về phương tiện giao thông đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;…

Xem nội dung chi tiết tại đây: HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

* Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại kỳ họp thứ 5, dự kiến Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đóng góp ý kiến đối với dự luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh, việc ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là cần thiết để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI): TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

* Đóng góp vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), ĐBQH Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật phải hết sức cụ thể, cầu thị, kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện trong việc tiếp thu, giải trình 20/61 nội dung mà các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CƠ QUAN SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI) CẦN CẦU THỊ TIẾP THU CÁC NỘI DUNG ĐÃ ĐÓNG GÓP TẠI PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT

* Tại Hội thảo "Quy hoạch điện VIII – Những vấn đề đặt ra và giải pháp" mới đây, nhiều chuyên gia nêu quan điểm, ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cần thêm sự huy động, tạo điều kiện thu hút thêm kinh phí từ khối kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện và thông qua các công cụ tài chính xanh...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐỀ XUẤT THU HÚT KHỐI KINH TẾ, DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN VÀO THỰC HIỆN QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

* Vừa qua, tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm tới những nội dung được cho ý kiến cũng như nội dung Dự thảo Luật Đất đai Phiên bản mới nhất- Ngày 25/4/2023, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mặc dù đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý tuy nhiên vẫn cần rà soát nhằm thể chế hóa một cách đầy đủ, triệt để tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS DOÃN HỒNG NHUNG: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, HIỆN THỰC HÓA ĐẦY ĐỦ TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 18/NQ-TW

* Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 16/5, Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án thảo Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tham gia ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung các điều, khoản, như: Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet; nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường; chia sẻ hạ tầng viễn thông...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV

* Sáng 16/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La lấy ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Tài nguyên nước. Có đại biểu đề nghị cần sửa - bổ sung một số khái niệm liên quan đến tài nguyên nước như: làm rõ khái niệm “các công trình khai thác nước lớn”; khái niệm “phê duyệt và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước”; xem xét lại các nội dung liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đảm bảo thống nhất với Luật Thủy lợi.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH SƠN LA LẤY Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

* Ngày 16/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, lao động tại Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới).

Với 20 lượt cử tri phát biểu, cử tri công nhân, lao động đã phản ánh những khó khăn đang gặp phải như: thiếu nhà ở, nhà trẻ, khu vui chơi, luyện tập thể thao, phương tiện đi lại... Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý dự án Khu công nghiệp Thanh Bình quan tâm, tham mưu tỉnh xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà trẻ, khu vui chơi, luyện tập thể thao, bố trí điểm dừng xe buýt gần khu công nghiệp...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ VỚI CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG

Thế Hà