ĐIỀU CHỈNH KỊP THỜI CHÍNH SÁCH, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN

13/05/2023

Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 thể hiện tính hiệu quả của việc điều chỉnh kịp thời chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng thúc đẩy phục hồi kinh tế đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Nền kinh tế phục hồi với nhiều triển vọng

Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Ở trong nước, nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, giao thông, du lịch bị đình trệ, làm tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực chậm lại.

Với một nền kinh tế hội nhập sâu, có độ mở cao, tình hình đứt gãy các chuỗi thương mại quốc tế do dịch bệnh gây ra càng tác động mạnh tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, đời sống của một bộ phận nhân dân lao động gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân.

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, với quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội quyết định, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thuế, tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã chuyển biến tích cực. Đặc biệt, đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin với quy mô và tốc độ bao phủ nhanh nhất từ trước đến nay, tạo điều kiện để chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch. Bên cạnh đó, đã thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Vì vậy, từ cuối quý III năm 2021, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đánh giá hoàn thành, trong đó đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức 1,84% (mục tiêu 4%), các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường tài chính phát triển, thị trường tiền tệ ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong các nước được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia giữ nguyên hệ số tín nhiệm và nâng triển vọng lên mức tích cực.

Điều chỉnh kịp thời chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021, quyết toán tăng 17,2% so với dự toán, tỷ lệ động viên thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP. Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, đặc biệt là trong khoảng giữa năm 2021 và ở các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất ô tô, vận tải hàng không, kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú; trong năm đã thực hiện nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, cơ quan Thuế, Hải quan đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung triển khai các giải pháp chính sách thu ngân sách nhà nước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Các đại biểu tại phiên họp

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử , kinh doanh trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam , đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp trong điều kiện diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản phải thu vào ngân sách nhà nước theo kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước . 

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 thể hiện tính hiệu quả của việc điều chỉnh kịp thời chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng thúc đẩy phục hồi kinh tế đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Một số ngành, lĩnh vực (xây dựng, sản xuất sắt thép, ô tô,…) đã phát sinh lợi nhuận cao, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, do dự toán thu năm 2021 được xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội vào thời điểm bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 2, nên mức dự toán ngân sách nhà nước nói chung và từng địa phương có phần thận trọng. Bên cạnh đó, trong thực hiện đã phát sinh một số khoản thu đột biến ngoài dự kiến khi xây dựng dự toán dẫn đến số thực thu vượt cao so với dự toán được giao.

Minh Hùng