NGHIÊN CỨU KỸ QUY ĐỊNH VỀ SỞ HỮU NHÀ Ở GẮN LIỀN VỚI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI

12/05/2023

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ, đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Dự kiến, luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, thay thế cho Luật Nhà ở năm 2014. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật tại Phiên họp thứ 21, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau 8 năm thi hành, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, đã cụ thể hóa các chính sách liên quan đến lĩnh vực nhà ở như: sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, quản lý nhà nước về nhà ở.

Đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, đa dạng hóa nguồn cung nhà ở, giúp cho hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, trong đó có người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị có điều kiện tạo lập chỗ ở hợp pháp, ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh-xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về nhà ở cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được xem xét trong quá trình xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) để thay thế cho Luật Nhà ở năm 2014 (Kết quả đánh giá cụ thể chi tiết tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở 2014 và được khái quát tại Tờ trình đầy đủ số 68/TTr-CP ngày 10/3/2023 của Chính phủ).

Theo Bộ trưởng, Dự án Luật được xây dựng nhằm mục đích thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 nhằm tháo gỡ các tồn tại, hạn chế đồng thời bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Toàn cảnh phiên họp

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về“tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và các đường lối, chủ trương của Đảng có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nội dung về quản lý và phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội; đảm bảo tính kế thừa, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về nhà ở đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Việc xây dựng dự án luật cũng sẽ giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng... Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 19 của dự thảo Luật), kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành, Điều 19 của dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ (gắn với quyền sử dụng đất); cá nhân người nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở cơ bản như công dân Việt Nam, trừ một số điều kiện về số lượng nhà, căn hộ, khu vực được phép sở hữu và thời hạn sở hữu.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định của Luật hiện hành đang được thực hiện trên thực tế là phù hợp với quan điểm được nêu trong Tờ trình số 65/TTr-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2014 là “Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.”.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao cũng không xác định quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, quy định của dự thảo Luật liên quan đến sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, do đó đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ nội dung này, cung cấp thông tin về quá trình thực thi chính sách này trên thực tế, những kết quả đạt được cũng như những điểm vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Cùng cho ý kiến về vấn đề này, vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, phù hợp với quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về người sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân nước ngoài.

Minh Hùng