TIẾP THU ĐẦY ĐỦ, TOÀN DIỆN Ý KIẾN NGƯỜI DÂN, SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI ĐẠT CHẤT LƯỢNG CAO, ĐỒNG THUẬN LỚN

10/05/2023

Tại phiên họp thứ 23, nhằm chuẩn bị nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ và toàn diện ý kiến của người dân để đảm bảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đạt chất lượng cao, có được sự đồng thuận lớn khi ban hành.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, các cơ quan hữu quan đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên phạm vi cả nước để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Nhân dân, Chính phủ đã tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ và toàn diện ý kiến của người dân để đảm bảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đạt chất lượng cao, có được sự đồng thuận lớn khi ban hành.

Phát biểu tại  Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nội dung khó, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi luật đã nhận được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp Nhân dân. Quy định của Luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và quyền lợi ích của người dân. 

Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc quản lý sử dụng đất, nhất là 8 nhóm vấn đề trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết 18 -NQ/TW như: vấn đề hoàn thiện các quy hoạch, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án sử dụng đất và những vấn đề liên quan đến cơ chế xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, cơ chế, chính sách quản lý sử dụng đất nông nghiệp, quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, các vấn đề liên quan đến đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất lấn biển, những vấn đề liên quan đến sở hữu nhà của người nước ngoài và vấn đề đất cho các vấn đề liên quan đến các dự án di tích lịch sử, du lịch hỗn hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua thảo luận có nhiều ý kiến cụ thể và xác đáng cần nghiên cứu và tiếp thu, nội dung góp ý đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ; đề nghị Tổng tổng hợp ý kiến thảo luận, báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, gửi đến các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật.

Đối với 10 nội dung có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu, nhược điểm, tính phù hợp với đặc thù của Việt Nam đối với từng loại ý kiến, quan điểm, lựa chọn của Chính phủ để hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội xem xét và thảo luận.

Cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội theo sự phân công tiếp tục hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến tham gia dự án luật thực chất, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo định hướng các nội dung dự kiến tiếp thu hoặc giải trình để lấy ý kiến tham gia cụ thể vào các điều, khoản trong dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra theo các nội dung được phân công, gửi ý kiến thẩm tra văn bản cho Ủy ban Kinh tế. Ủy ban Kinh tế chủ trì tổng hợp, tổ chức thẩm tra toàn diện giữa Luật; xây dựng và hoàn thiện báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 4/2023 để trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Phát biểu tại hội thảo cho ý kiến về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết,Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, phức tạp, có liên quan chặt chẽ tới nhiều luật khác nhau. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến các đại biểu, chỉnh lý bước đầu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước. Các nội dung của dự án Luật nhận được sự quan tâm rất lớn của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhiều ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Từ khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về đất đai gắn với hoạt động đầu tư kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, còn có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật liên quan, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. 

Tham gia ý kiến về dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, với vị trí, vai trò quan trọng của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật - là đạo luật có mối quan hệ chặt chẽ với quy định của nhiều luật khác. Đây cũng là đạo luật phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Do vậy, việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật có liên quan cần được đặc biệt quan tâm nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ có liên quan đến đất đai, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, qua nghiên cứu bước đầu, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị các chuyên gia, các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo quan tâm, cho ý kiến đối với một số vấn đề trọng tâm về tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật, dự thảo luật có liên quan, cụ thể: Trong mối quan hệ với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số luật, dự thảo luật có quy định về áp dụng pháp luật; Trong mối quan hệ với Bộ luật Dân sự (BLDS); Trong mối quan hệ với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Trong mối quan hệ với pháp luật về công chứng, chứng thực; Trong mối quan hệ với các luật về lĩnh vực kinh tế như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước; Về quy định chuyển tiếp…

Minh Hùng