TINH GIẢN BỘ MÁY, NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CÔNG VỤ, ĐƯA CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

09/05/2023

Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.

KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ CÁC ĐỀ ÁN THÀNH LẬP, ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ

Trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cán bộ, công chức, giảm chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững.

Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng (tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị) và thực hiện nhiệm vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao (tại Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15) thì việc Chính phủ xây dựng, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là cần thiết.

Tại phiên họp thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ dự thảo Nghị quyết này là nội dung quan trọng làm cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo chủ trương của Đảng. Đây là nội dung dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền tại phiên họp vào tháng 5/2023 tới.

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 vừa qua được thực hiện theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Dự thảo Nghị quyết này khi được ban hành sẽ thay thế Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trong giai đoạn 2023-2030. Trong giai đoạn 2023-2030, sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030, do đó trong dự thảo Nghị quyết có những nội dung quy định, đối tượng, tiêu chí đánh giá khác nhau cho hai giai đoạn này.

Ghi nhận hồ sơ dự thảo Nghị quyết được Chính phủ chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, việc xây dựng Nghị quyết lần này nhiều thuận lợi khi có đầy đủ cơ sở chính trị như Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Cùng với đó rất nhiều kinh nghiệm bài học được rút ra từ giai đoạn 2019-2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp

Trong quá trình soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng cùng các cơ quan hữu quan tham gia góp ý, tổ chức các hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, các nội dung lớn trong dự thảo Nghị quyết có sự thống nhất cao giữa các cơ quan. Bên cạnh đó còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, làm rõ.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết này nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Các đại biểu cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng và ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tán thành với tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như trong dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Đảng, có sự kế thừa Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH13 và bổ sung nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan.

Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, dự thảo Nghị quyết lần này đã quy định rõ hơn nhiều nội dung so với Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH13 như các cơ chế đặc thù, chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, các số liệu, tiêu chí diện tích, dân cư…Đại biểu cũng lưu ý cần quan tâm rà soát để quy định phù hợp các vấn đề quan trọng như sắp xếp tổ chức biên chế bộ máy để bảo đảm đủ số lượng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước khi tăng quy mô dân số, diện tích sau sắp xếp.

Đại biểu Phan Thái Bình cũng chỉ rõ thực tiễn tại các địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính nhưng việc chậm xử lý trụ sở, tài sản dôi dư gây lãng phí lớn. Đại biểu đặt vấn đề nếu dự thảo Nghị quyết lần này quy định thực hiện 2 năm để xử lý vấn đề này có khả thi, trường hợp không thực hiện được theo quy định này thì xử lý như thế nào, trách nhiệm ra sao.

Có cùng vấn đề quan tâm, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình chia sẻ thực tiến triển khai sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 bên cạnh các kết quả đạt được còn một số vướng mắc, tồn tại, hạn chế đến nay chưa được  giải quyết như sắp xếp cán bộ dôi dư, trụ sở làm việc, cơ chế đặc thù dù các tỉnh đã rất cố gắng, quyết liệt. Cùng với đó, các quy định về thủ tục đấu giá, thẩm định giá để xử lý tài sản, trụ sở dôi dư sau sắp xếp gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề xuất kéo dài thời gian thực hiện việc xử lý tài sản dôi dư sau sắp xếp.

Minh Hùng