CẦN ĐÁNH GIÁ ĐÚNG THỰC CHẤT BIỂU ĐỒ TĂNG TRƯỞNG CỦA ĐẤT NƯỚC

09/05/2023

Sáng 9/5, tại phiên họp thứ 23, cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá tình hình 4 tháng đầu năm 2023 đã bộc lộ những khó khăn, thách thức, tăng trưởng đạt thấp. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục có phân tích, đánh giá đúng tình hình, nhận diện và tìm được nguyên nhân yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế để có các biện pháp điều hành phù hợp trong thời gian tới.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 09/5: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 23 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ PHÁT BIỂU KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA UBTVQH: XEM XÉT KHỐI LƯỢNG LỚN CÁC NỘI DUNG CHUẨN BỊ CHO KỲ HỌP QUỐC HỘI

Bộc lộ những tín hiệu đáng quan ngại của bức tranh kinh tế năm 2023

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc họi Bùi Văn Cường cho biết, về đánh giá bổ sung tình hình năm 2022, vẫn còn 2/15 chỉ tiêu không đạt, trong đó chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP mới chỉ đạt có 24,76% (số đã báo cáo trước Quốc hội là 25,7 và 25,8%) và thấp hơn mục tiêu đặt ra. Đây là chỉ tiêu quan trọng để phản ánh chất lượng và tốc độ tăng trưởng GDP, do vậy Chính phủ cần đánh giá, làm rõ hơn thực trạng, nguyên nhân để làm cơ sở đưa ra các giải pháp cho những tháng cuối năm 2023.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc họi Bùi Văn Cường

Về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2003, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, theo đánh giá của một số tổ chức và chuyên gia, kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 được nhìn nhận sẽ đối mặt với không ít thách thức, khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

Thực tế, tăng trưởng GDP chỉ đạt hơn 3,3% so với cùng kỳ của năm 2022. Đầu tàu kinh tế là Thành phố Hồ Chí Minh tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,7%. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, đây là một tín hiệu hết sức không lạc quan trong tăng trưởng.

Cùng với đó, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp giảm 0,8% so với cùng kỳ, xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh. Dự báo đến cuối năm 2023 những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ vẫn sẽ đối diện với nhiều khó khăn do số lượng đơn hàng suy giảm. Đầu tư công với vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng của GDP mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy dẫn dắt đầu tư tư nhân phát triển thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng hoặc là định hướng phát triển các ngành trọng điểm thì đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt đến 20% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, những kết quả trên là những tín hiệu hết sức đáng quan ngại của bức tranh kinh tế nước ta.

Còn nhiều “màu hồng” trong báo cáo

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng báo cáo của Chính phủ còn nhiều “màu hồng”, trong khi đó phân tích về tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phân tích về nguyên nhân thì không rõ. Dẫn chứng từ báo cáo bổ sung tình hình năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, không phải đến Quý 1/2023 mới giảm đột ngột từ 8,2% xuống 3,3% mà từ cuối Quý 3/2022 và Quý 4/2022 đã có xu hướng giảm. Nếu đánh giá đúng biểu đồ này thì sẽ không cảm thấy đột ngột. Vì vậy, cần phải phân tích tồn tại, hạn chế một cách khoa học hơn, chặt chẽ hơn và đầy đủ hơn tình hình của năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Liên quan đến tình hình những tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, từ đầu năm đã có các biện pháp tháo gỡ nhằm tạo nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công và khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Tuy nhiên, qua làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học cho thấy dòng tiền vẫn còn nghẽn, chưa phát huy tác dụng của các biện pháp đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, vì đánh giá lạc quan quá nên việc xác định biện pháp điều hành tới đây sẽ rất khó. Do đó cần phải đánh giá cho đúng tình hình những tháng đầu năm 2023 liên quan đến khả năng tăng trưởng, thị trường lao động việc làm, các kịch bản điều hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị phân tích đánh giá nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, nhất là vấn đề nội tại của nền kinh tế bởi còn một số nội dung chưa rõ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những tồn tại, yếu kém nội tại đã bộc lộ rõ như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế bởi tác động bên ngoài còn rất hạn chế, chỉ cần biến động nhỏ của thế giới sẽ tác động rất lớn, doanh nghiệp, người dân bị bào mòn sức lực. Hơn nữa, công tác dự báo để tham mưu cũng có những biến động, phản ứng chính sách không kịp thời, câu chuyện là từ thái cực này sang thái cực khác trong quản lý, công tác phối hợp thực hiện chính sách, phối hợp của các bộ, ngành, các cơ quan trung ương trong tháo gỡ các khó khăn, ách tắc, vướng mắc ở dưới cơ sở, cơ sở.

Bày tỏ cơ bản đồng tình với các giải pháp mà Chính phủ nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương một lần nữa đề nghị cụ thể hơn vào những vấn đề bất cập đã nêu, nhất là những yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành, quyết định những vấn đề trước các tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng, cần quyết đoán, linh hoạt, mạnh mẽ hơn, không chỉ ở Chính phủ mà ở các bộ, ngành và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần phải hoàn thiện các báo cáo theo hướng ngắn gọn hơn, khái quát hơn, xác thực và khách quan hơn. Nếu thành tựu không nhận diện được hết sẽ không thấy được mặt tốt để phát huy. Những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân khách quan, chủ quan không rõ thì sẽ có cái lệch lạc về tình hình lại càng nguy hiểm hơn, không thấy được những gì cần phải khắc phục.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực tiễn thế nào phải nói đúng như thế, xúc tích hơn, có trọng tâm, trọng điểm, có thêm phần định lượng để các con số tự nói lên tất cả; thiết kế cân đối hơn cả về kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng, đối ngoại, công tác của Tòa án, Viện kiểm sát, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thể hiện ngắn gọn nội dung đánh giá bổ sung tình hình của năm 2022. Trong đó, bổ sung tập trung làm rõ có thêm 1 chỉ tiêu không đạt, phản ánh chất lượng tăng trưởng và việc thu ngân sách vượt dự toán. Năm 2022 xây dựng dự toán quá thấp, vô hình trung tự mình bó hẹp không gian tài khóa. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc xây dựng dự toán không sát là vấn đề nhiều năm không được khắc phục, có trách nhiệm một phần của Kiểm toán nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội; đòng thời bày tỏ lo ngại về quy trình quyết định ngân sách của nước ta.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nói thêm về điểm sáng của Quý 4/2022 là nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô mô trước các cú sốc trong và ngoài nước, giữ được ổn định về tỷ giá và lạm phát. Có được kết quả này là nhờ lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, trong đó, Chính phủ là cơ quan tổ chức thực thi chuyện này, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chịu trách nhiệm về vĩ mô, cả Ban Kinh tế Trung ương đóng góp nhiều nỗ lực, cố gắng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị bám sát kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô để đánh giá thêm năm 2022, cả những nỗ lực cố gắng đã đạt được và những vấn đề đang đặt ra và kéo theo cả năm 2023 phải tiếp tục xử lý.

Đối với năm 2023, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ một số kết quả trong 4 tháng đầu năm, cơ bản giữ được ổn định vĩ mô, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định, tổng mức bán lẻ tăng đến 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khác lại giảm nhanh là điều cần phải tập trung suy nghĩ, thảo luận như chỉ số sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng, số lao động trong khu vực công nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, về đầu tư; thu hút FDI, thu ngân sách nhà nước, lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số giá bình quân; các thị trường vẫn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân vẫn đang rất khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó mới có giải pháp. Trong đó, tập trung bám sát vào những giải pháp đã có trong nghị quyết của Quốc hội, kết luận Trung ương, sát với những nguyên nhân hiện nay như phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng ý một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai. Cùng với đó, cũng cần đẩy nhanh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các loại quy hoạch chuyên ngành như Quy hoạch điện VIII.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nhận diện được hết tất cả những thành tựu, kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức; tập trung nhiều vào việc họp bàn kỹ, quyết theo từng nhóm vấn đề để giải quyết./.

Bảo Yến