CẦN XÁC ĐỊNH MÔ HÌNH TỐI ƯU ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ Y TẾ CƠ SỞ

08/05/2023

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 9, chiều 08/5, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Xã hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI CÒN MỎNG, CHƯA CHUYÊN NGHIỆP

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách cùng các thành viên Ủy ban Xã hội; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Đấu thầu, mua sắm thuốc là vấn đề nóng cần tháo gỡ

Báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn lực của đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 đã ban hành rất nhiều các cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19; bảo đảm cân đối và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của ngân sách nhà nước; huy động nguồn đóng góp to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống dịch.

Theo đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, việc ban hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng chống dịch trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời... dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, kết quả thực hiện một số chính sách chưa đạt kết quả như dự kiến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, hành lang pháp lý về y tế cơ sở từng bước được hoàn thiện, điều chỉnh được đa số các vấn đề để bảo đảm đầy đủ các điều kiện cho y tế cơ sở hoạt động, vận hành. Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, triển khai các hoạt động của y tế cơ sở. Các địa phương đã ban hành nhiều đề án, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở nhìn chung còn thiếu tính đồng bộ với các mục tiêu chính sách chưa được xem xét đến tính tổng thể của hệ thống.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, 100% các tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trên cơ sở sáp nhập các trung tâm làm nhiệm vụ y tế dự phòng trên địa bàn. Tại tuyến huyện, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cũng được thực hiện, theo đó các trung tâm y tế huyện thực hiện chức năng y tế dự phòng. Tại tuyến xã, 100% các trạm y tế xã chủ yếu thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng. Việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng đồng bộ, thống nhất đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực y học dự phòng.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo giám sát. Một số đại biểu cho rằng, việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, cụ thể là các vấn đề mua sắm thuốc, vắc - xin, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Còn để xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau.

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu cũng đánh giá, đến nay chúng ta chưa thực hiện được các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến mua sắm, đấu thầu, cơ chế đặc thù để thanh toán cho các nhà cung cấp trong trường hợp vay, mượn hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch trước và sau thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30; thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cho các đơn vị đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng chưa có quyết định đặt hàng và hợp đồng đặt hàng; việc xác lập sở hữu tài sản đối với tài sản công từ nguồn tài trợ phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa đủ thủ tục.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức, thực hiện, hiệu quả sử dụng chưa cao. Ở nhiều địa phương, tình trạng tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện, thuốc, sinh phẩm, hóa chất… từ các tổ chức tài trợ, viện trợ thiếu thủ tục, hồ sơ, không xác định được giá trị tài sản dẫn đến không đủ cơ sở pháp lý trong việc xác nhận quyền sở hữu toàn dân, quản lý, theo dõi, hạch toán.

Cần xác định mô hình tối ưu để phát triển đồng bộ y tế cơ sở

Tham gia đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đưa ra giải pháp, báo cáo giám sát cần ghi nhận những đóng góp, những kết quả đã đạt được của ngành y tế trong thời gian hết sức khó khăn vừa qua, từ đó có biện pháp động viên, chăm lo về tinh thần và vật chất, để các bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế có điều kiện tốt nhất, tiếp tục phát huy những phẩm chất vốn có để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo sức khỏe của nhân dân.

Cùng với đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cùng nhiều đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ đã có những tháo gỡ quyết liệt, nhưng cần có sự thay đổi căn cơ, dài hạn hơn nữa về khuôn khổ luật pháp, để tháo gỡ vướng mắc từ tận gốc rễ vấn đề, tránh để lặp đi lặp lại những hạn chế trong nhiều năm. Cụ thể, đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến đấu thầu thuốc. Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá lần này sẽ là cơ hội tốt để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến nội dung này, đại biểu cho biết, dự thảo mới nhất của Luật Đấu thầu đã có chương riêng quy định về đấu thầu thuốc, tuy nhiên nội dung còn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các mặt đặc thù, cần rà soát, nghiên cứu thêm để khắc phục những tồn tại, hạn chế đang có.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Hội Đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho biết, báo cáo của Ủy ban đã tiếp thu, điều chỉnh căn bản với 3 nội dung lớn mà tại phiên họp tháng 4 vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra như vấn đề về sản xuất vắc xin, kit test, kiểm tra giám sát vụ Việt Á.

Đồng tình với việc Dự thảo nghị quyết đưa ra các vấn từ đánh giá kết quả tồn tại hạn chế, nhiệm vụ giải pháp và bài học kinh nghiệm, tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho rằng, một số giải pháp đưa ra còn khá chung chung như đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho bảo hiểm y tế cơ sở. Nếu quy định nhưng thế này mà đưa vào Nghị quyết thì sẽ khó thực hiện. Do đó, theo đại biểu, cần quy định, bổ sung theo hướng đưa rõ mục tiêu cần đạt được của việc chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám bệnh….

Bên cạnh đó, việc khám bảo hiểm y tế và danh mục thuốc cũng cần có những mục tiêu cụ thể để có sự cân đối, tính toán chi phí giữa bảo hiểm của tuyến y tế cơ sở, là tuyến huyện và tuyến xã; đảm bảo cân bằng danh mục khám bảo hiểm y tế và mức chi bảo hiểm y tế của hai tuyến này. Phải tính toán chi tiết cụ thể, có mục tiêu rõ ràng đưa vào Nghị quyết để phấn đấu, sau này căn cứ vào Nghị quyết thì công tác kiểm tra, giám sát cũng thực hiện thuận lợi hơn.

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lê Văn Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định trong vấn đề y tế cơ sở, tuy nhiên cũng còn những khó khăn đối với lĩnh vực này, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Đại biểu cho rằng, vấn đề cần quan tâm ở đây là hướng đến được sự chuẩn hóa hệ thống y tế cơ sở vì hiện nay hệ thống này chưa được chuẩn, mỗi nơi lại có một kiểu hoạt động khác nhau, cần xem xét lựa chọn mô hình nào tối ưu hơn để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Theo đại biểu, hiện nay đã có mô hình trung tâm y tế đa chức năng, một số tỉnh gộp trung tâm y tế huyện, ở các địa phương không phải trung tâm lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội. Đại biểu phân tích, việc áp dụng mô hình như vậy sẽ tận dụng được nhân lực. Đồng thời, các Trung tâm y tế nên giao cho Sở Y tế quản lý, cần đưa ra giải pháp đối với trạm y tế. Hiện nay cả nước ta có hơn 11 nghìn trạm y tế, mục tiêu của Chính phủ trong giai đoạn tới là giảm các xã, như vậy là số trạm y tế sẽ giảm xuống. Tuy nhiên chúng ta phải đánh giá cụ thể rằng số trạm có thể giảm xuống được nữa hay không.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, vấn đề tiêm chủng hiện rất khó khăn đối với y tế cơ sở, do đó phải có những đánh giá cụ thể về vấn đề này để đưa vào trong Nghị quyết, đảm bảo được khâu tổ chức thực hiện trên thực tiễn ở các Trung tâm y tế, các Bệnh viện tuyến huyện.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Kết luận nội dung thảo luận này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao tinh thần xây dựng cùng những ý kiến thiết thực, thẳng thắn, xác đáng của các đại biểu. Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, các vấn đề tương đối phức tạp, bức thiết, đòi hỏi sớm có giải pháp cụ thể và hiệu quả để tháo gỡ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát đạt chất lượng cao, bao quát được các mặt của tình hình thực tiễn, đưa ra các đề xuất, kiến nghị xác đáng để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, hướng tới mục tiêu phát triển dài hạn hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, phục vụ tốt hơn nữa cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến đấu thầu thuốc

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội quan tâm đến vấn đề phát triển y tế cơ sở

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho rằng, báo cáo cần đưa rõ mục tiêu cần đạt được của việc chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám bệnh….

Đại biểu Lê Văn Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần xem xét lựa chọn mô hình y tế cơ sở tối ưu để áp dụng thống nhất trong cả nước

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao tinh thần xây dựng cùng những ý kiến thiết thực, thẳng thắn, xác đáng của các đại biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát đạt chất lượng cao, bao quát được các mặt của tình hình thực tiễn, đưa ra các đề xuất, kiến nghị xác đáng để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, hướng tới mục tiêu phát triển dài hạn hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Hồ Hương- Phạm Nhung