Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 đối với nội dung chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, thời gian qua, Đoàn giám sát đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động giám sát thực tiễn; tổ chức giám sát trực tiếp tại 8 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lai Châu, Đắk Nông, Bình Định, Bình Phước, Sóc Trăng).
Tại các địa phương, Đoàn giám sát chia thành các tổ công tác trực tiếp làm việc với các cơ sở giáo dục đại diện cho các cấp học, các loại hình, các địa bàn. Sau khi làm việc với các địa phương, Đoàn giám sát có Thông báo kết luận gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trong đó nêu rõ các nội dung, yêu cầu cần bổ sung, hoàn thiện Báo cáo chính thức gửi Đoàn giám sát. Trong quá trình thực hiện các hoạt động giám sát, Đoàn cũng đã nhận được sự phối hợp hiệu quả, tham gia tích cực và chủ động của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo… và các bộ, ngành liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu mở đầu buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị nghị lãnh đạo các Bộ tập trung đánh giá, làm rõ kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân cũng như trách nhiệm của từng cơ quan trung ương và địa phương; đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, với bộ, ngành và các địa phương. Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát bước đầu; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Gợi ý nội dung thảo luận, giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tập trung đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện và chỉ đạo tổ chức triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; làm rõ tính đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và hiệu quả cũng như khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Đánh giá về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Vấn đề thừa, thiếu giáo viên, nhất là giáo viên các môn học, hoạt động giáo dục mới, giáo viên dạy các môn học tích hợp; công tác bồi dưỡng, tập huấn; chính sách đối với nhà giáo...
Đánh giá việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất: Vấn đề thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, các công trình phụ trợ, thư viện, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đặc biệt đối với địa bàn tăng học sinh do tăng dân số cơ học và địa bàn vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đánh giá về kinh phí thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Việc bố trí nguồn lực và hiệu quả thực hiện ngân sách trung ương, ngân sách địa phương trong quá trình triển khai Chương trình; việc huy động nguồn lực xã hội.
Đại diện lãnh đạo các Bộ tham gia báo cáo tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, những nội dung báo cáo, trao đổi, thảo luận, cùng với những kết quả thu nhận của Đoàn qua giám sát ở một số tỉnh, thành phố vừa qua sẽ là cơ sở để Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ; đánh giá, xây dựng, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023 tới đây.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin về buổi làm việc.