ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)
Trên cơ sở đánh giá chi tiết, Quốc hội đã thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) và bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó đưa Luật Viễn thông (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 22 vừa qua. Theo đó, về phân bổ, sử dụng, hoàn trả kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Điều 52 trong dự thảo Luật quy định, việc phân bổ, ấn định, cấp, đăng ký (sau đây gọi là phân bổ) và sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây: Phù hợp với quy hoạch kho số viễn thông, tài nguyên Internet; Bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong việc phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet; Bảo đảm sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet được phân bổ hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích; Ưu tiên phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet cho tổ chức có năng lực cung cấp dịch vụ viễn thông nhanh chóng trên thực tế; cung cấp dịch vụ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phục vụ hoạt động viễn thông công ích; Ưu tiên phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet cho tổ chức có năng lực ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ, dịch vụ.
Toàn cảnh phiên họp
Việc phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam được thực hiện theo các phương thức sau đây: Đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet đối với: mã mạng di động mặt đất, số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất, số dịch vụ tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cấp 2 có độ dài 1 hoặc 2 ký tự trừ các tên miền được bảo vệ và các tên miền dùng chung theo quy định của pháp luật. Việc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên. Phân bổ trực tiếp đối với kho số viễn thông, tài nguyên Internet ngoài quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này và kho số viễn thông, tài nguyên Internet quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này đã thực hiện đấu giá nhưng không thành. Việc phân bổ trực tiếp được thực hiện theo nguyên tắc phân bổ tuần tự và tổ chức, cá nhân đăng ký trước được xét cấp trước.
Đấu giá mã mạng di động mặt đất, số dịch vụ tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin thực hiện như sau: Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá đối với mã mạng di động mặt đất, số dịch vụ tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin. Mỗi lần đấu giá tối đa 08 mã mạng, 200 số dịch vụ tin nhắn ngắn và 20 số giải đáp thông tin gồm các mã, số tuần tự trong kho số viễn thông chưa phân bổ và các mã, số do doanh nghiệp đề nghị phân bổ không theo tuần tự (nhưng không bao gồm các mã, số dự phòng). Đối với các mã, số đã tổ chức đấu giá 01 lần nhưng không thành được phép phân bổ trực tiếp cho doanh nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 2 với giá phải trả bằng giá khởi điểm đấu giá. Giá khởi điểm đối với mỗi mã, số trong các mã, số do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đấu giá bằng 1 năm phí sử dụng mã, số đó.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long
Giá khởi điểm đối với mã mạng di động mặt đất do doanh nghiệp đề nghị phân bổ không theo tuần tự bằng 05 năm phí sử dụng. Giá khởi điểm đối với số dịch vụ tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin bằng 02 năm phí sử dụng. Khi chỉ có 01 doanh nghiệp tham gia đấu giá thì thực hiện cấp trực tiếp với giá phải trả bằng giá khởi điểm đấu giá. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá mã, số tương ứng được thực hiện khi còn ít hơn 03 mã mạng, ít hơn 50 số dịch vụ tin nhắn ngắn, ít hơn 05 số giải đáp thông tin để phân bổ trực tiếp hoặc 36 tháng kể từ lần đầu giá liền trước.
Đối với việc thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Điều 54 trong dự thảo Luật quy định, thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu lại quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet đã phân bổ cho tổ chức, cá nhân còn thời hạn sử dụng.
Việc thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Thu hồi để sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; Mục đích, đối tượng sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet không còn phù hợp với quy hoạch kho số viễn thông, quy hoạch tài nguyên Internet hiện hành; Không nộp đủ lệ phí phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet; phí sử dụng mã, số viễn thông; phí duy trì sử dụng tên miền và địa chỉ Internet và không khắc phục để nộp đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày hết hạn nộp tiền theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Kho số viễn thông, tài nguyên Internet được sử dụng để thực hiện các hành vi quy định tại Điều 9 luật này, các hành vi vi phạm pháp luật khác và cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Cho ý kiến về việc phân bổ, sử dụng, hoàn trả kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, khoản 3 Điều 52 dự thảo Luật quy định đối với các mã, số đã tổ chức đấu giá 01 lần nhưng không thành được phép phân bổ trực tiếp cho doanh nghiệp với giá phải trả bằng giá khởi điểm đấu giá. Ngoài ra, điểm b khoản 2 Điều 52 dự thảo Luật quy định về phân bổ trực tiếp đối với kho số viễn thông, tài nguyên Internet đã thực hiện đấu giá nhưng không thành song chưa quy định cụ thể mức giá doanh nghiệp phải trả đối với kho số viễn thông, tài nguyên Internet trong trường hợp phân bổ này. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính đầy đủ, chặt chẽ của Luật Tài chính ngân sách.
Về thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet, khoản 4 Điều 54 dự thảo Luật quy định “Nhà nước bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể các nội dung liên quan đến việc Nhà nước bồi thường trong trường hợp thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet như mức bồi thường, các hình thức bồi thường… dẫn đến chưa bảo đảm đủ căn cứ cho quá trình triển khai thực hiện. Do đó, các đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung các nội dung liên quan để xác lập đủ hành lang pháp lý cho quá trình thực thi Luật.