CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN
ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 13: THẨM TRA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2023
Cùng dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng Lê Tiến Châu; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban, để chuẩn bị cho Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 để thẩm tra chính thức dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, vừa qua, Chính phủ đã tích cực, khẩn trương tiến hành các quy trình để tiến hành sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014. Trước đó, tại Phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình chính thức Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đây là dự án Luật lớn, khó và quan trọng, có nội dung liên quan đến nhiều quy định trong luật khác nhất là Luật Đất đai về chính sách sử dụng đất liên quan đến nhà ở, đồng thời liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích người dân, hoạt động doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ mong muốn tại phiên họp này sẽ nhận được nhiều ý kiến sâu sắc để hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật để trình Quốc hội với chất lượng tốt nhất.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính. Trước đó, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được triển khai theo hai giai đoạn 2023-2025 và 2025-2023. Trong đó tập trung cho giai đoạn 2023-2025 với số lượng lớn các đơn vị cần phải sắp xếp so với giai đoạn trước với khoảng 52 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1000 đơn vị hành chính cấp xã chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh khối lượng công việc liên quan đến nội dung này là rất lớn, đòi hỏi các cơ quan liên quan trong đó có Ủy ban Pháp luật phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ.
Phát biểu chào mừng tại phiên họp, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng Lê Tiến Châu nêu rõ, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, vị thế vai trò của Quốc hội nói chung ngày càng được nâng cao, thể hiện qua những kết quả cụ thể trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là Quốc hội nói chung, Ủy ban Pháp luật nói riêng đang có nhiều cải tiến, đối mới trong công tác lập pháp nhằm tạo hành lang pháp lý cho đổi mới cơ chế quản lý, cơ cấu lại nền kinh tế. Nhờ vậy, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Riêng TP.Hải Phòng trong quý I/2023 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình thế giới và trong nước, nhưng tốc độ tăng trưởng của thành phố đạt 9,65%, đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 3 toàn quốc.
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu chào mừng
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật lần này, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng Lê Tiến Châu nêu rõ đây là những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng toàn diện đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và càng quan trọng với Hải Phòng. Bởi thành phố là đô thị loại 1, diện tích và dân số lớn, có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, kinh tế phát triển nhanh, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nên nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến nhà ở cho người dân mà hành lang pháp lý hiện nay chưa được điều chỉnh, giải quyết một cách thấu đáo. Đồng thời, thành phố đang nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền danh sách đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2030 theo tinh thần Kết luận số 48 của Bộ Chính trị. Do vậy, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng Lê Tiến Châu bày tỏ tin tưởng Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Pháp luật sẽ hoàn thành tốt đẹp, có chất lượng, hiệu quả, góp phần ban hành ban hai văn bản quan trọng nêu trên.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp
Theo chương trình, trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Pháp luật đã nghe Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày Tờ trình của Chính phủ và tiến hành thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung chi tiết của phiên họp.