SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: CÂN NHẮC QUY ĐỊNH BẢNG GIÁ ĐẤT ỔN ĐỊNH TRONG THỜI KỲ TRUNG HẠN

20/04/2023

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc việc quy định bảng giá đất ổn định trong thời kỳ trung hạn thay vì 1 năm theo đề xuất của Chính phủ để tránh lãng phí về thời gian tổ chức và các quy trình xây dựng bảng giá đất.

XÂY DỰNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): QUY ĐỊNH RÕ PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ ĐẤT

Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022) và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra từ ngày 5-7/4. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dự án luật trước khi trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (5/2023).

Trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, các quy định liên quan tới chính sách tài chính đất đai, giá đất, bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất,… đã nhận được sự quan tâm của cử tri, Nhân dân, chuyên gia và đại biểu Quốc hội. Quan tâm tới quy định về bảng giá đất, đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng cần xem xét tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất cũng như hiệu quả của phương pháp này. Hiện nay, đang có 5 phương pháp định giá đất theo quy định tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, do đó cần có đánh giá hiệu quả thực tiễn, nếu vận hành tốt mới đưa vào trong quy định của luật. Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cân nhắc việc quy định bảng giá đất ổn định trong thời kỳ trung hạn, có thể là 3 năm thay vì 1 năm theo đề xuất của Chính phủ để tránh mất nhiều thời gian và nguồn lực.

Cùng với đó, đại biểu Ma Thị Thuý – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề xuất nên quy định bảng giá đất được xây dựng theo chu kỳ 2 năm một lần. Theo đại biểu, Luật Đất đai năm 2003 quy định chu kỳ xây dựng bảng giá đất là 1 năm một lần, Luật hiện hành quy định 5 năm một lần, đều có những hạn chế nhất định. Dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất cũng như xây dựng bảng giá đất theo vị trí đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị thửa đất chuẩn. Do đó, quy định bảng giá đất được xây dựng theo chu kỳ 2 năm là phù hợp để giảm thiểu chi phí cũng như thời gian, lực lượng tham gia khảo sát xây dựng bảng giá đất.

Đại biểu Ma Thị Thuý – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Từ những bất cập trong thời gian qua, đai biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất hiện nay có những điểm chưa phù hợp, chưa thể hiện sự công khai, minh bạch đã gây nên những vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng đến chính sách về đất đai của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Do đó, những quy định mới cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả nhưng cần quan tâm đến độ giãn về thời gian áp dụng quy định, cách thức xác định giá đất theo phương pháp mới, trong đó xem xét đến việc áp dụng phương pháp hệ số để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Cụ thể, đại biểu cho rằng quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm nên sửa đổi thành bảng giá đất được xây dựng định kỳ 3 năm một lần để tránh lãng phí về thời gian tổ chức và các quy trình xây dựng bảng giá đất. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi thực hiện dự án.

Mặt khác, khoản 4 Điều 155 dự thảo Luật quy định “Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường thuê tổ chức tư vấn định giá đất để xây dựng bảng giá đất, thẩm định bảng giá đất; trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, quy định trên được hiểu là Sở Tài nguyên và Môi trường bắt buộc phải thuê đơn vị tư vấn, trong trường hợp Sở có thể đảm nhận cũng phải thuê tư vấn. Do đó, đề nghị bổ sung cụm từ “có thể” vào thành “có thể thuê tổ chức tư vấn” để tăng tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn. Hơn nữa, kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện chỉ là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định giá đất đã được quy định tại khoản 4 Điều 154 của dự thảo Luật.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự kiến đến cuối năm 2025 mới có bảng giá đất. Đại biểu Vũ Trọng Kim – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nhận thấy, thời gian như vậy là muộn so với yêu cầu của vấn đề thị trường đất đai hiện nay. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường đất đai đã rất ảm đạm; các giao dịch thành công còn rất ít. Từ thực tiễn đó, đai biểu cho rằng vấn đề kiểm kê đất đai và lập bản đồ thực trạng sử dụng đất có những khó khăn nhất định và có khó khăn trong vấn đề lập bảng giá đất trên thị trường hiện nay. Do đó, đề nghị cần quyết tâm hoàn thành sớm bảng giá đất để có thể thực hiện tốt và đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay./.

Minh Thành