ƯU TIÊN HỢP TÁC XÃ PHÁT TRIỂN GẮN VỚI KINH TẾ XANH, KINH TẾ TUẦN HOÀN, KINH TẾ TRI THỨC

19/04/2023

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua. Tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra nhằm hoàn thiện dự án luật. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự án Luật đã có quy định ưu tiên hợp tác xã tham gia liên kết hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức hoặc tham gia các hoạt động lợi ích cộng đồng dân cư.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua. Tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra nhằm hoàn thiện dự án luật. Theo đó, một số ý kiến đề nghị xác định rõ các tiêu chí lựa chọn đối tượng được Nhà nước hỗ trợ cho phù hợp với từng nội dung hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có ý kiến cho rằng sẽ khó thực hiện nếu dự thảo Luật không quy định cụ thể chính sách ưu đãi đối với một số tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX có tiêu chí được ưu tiên và cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết; yêu cầu về việc không vi phạm quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan cũng như yêu cầu về báo cáo kiểm toán sẽ gây khó khăn trong tiếp cận chính sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 18 về các tiêu chí để tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được xem xét thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như làm rõ các tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn như ưu tiên có số lượng thành viên, thành viên là người khuyết tật, thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nữ nhiều hơn… hoặc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết để có cơ sở triển khai thực hiện các chính sách cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được ưu tiên, bảo đảm tính khả thi của các chính sách này; chỉnh lý quy định về một trong các tiêu chí được xem xét thụ hưởng chính sách là tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật Hợp tác xã (sửa đổi); quy định chỉ trong trường hợp nội dung chính sách có yêu cầu thì HTX, liên hiệp HTX mới phải có báo cáo kiểm toán để được xem xét, thụ hưởng chính sách.

Có ý kiến đề nghị cụ thể hóa chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên”. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu thống kê đánh giá đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW và phù hợp với thực tiễn đóng góp của khu vực kinh tế tập thể cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội chưa bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.

Một số đại biểu đề nghị quy định ưu tiên cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, rà soát, bổ sung tại Điều 18 một trong những tiêu chí ưu tiên lựa chọn tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được thụ hưởng chính sách của Nhà nước là tham gia liên kết hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức hoặc tham gia các hoạt động lợi ích cộng đồng dân cư.

Toàn cảnh hội nghị

Tại dự thảo Luật cũng quy định một số chính sách ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp (khoản 3 Điều 26); hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX (điểm a khoản 2 Điều 23); có các chính sách hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh để làm nhà kho, cửa hàng mua bán, trưng bày, giới thiệu sản phẩm… (khoản 2 Điều 21); được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí (khoản 1 Điều 22); được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX khi hoạt động tham gia liên kết với cá nhân, tổ chức khác hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức vì mục tiêu phát triển bền vững (khoản 2 Điều 22).

Các đại biểu cũng đề nghị luật hóa những nội dung của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX bổ sung nội dung về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam được thành lập ở trung ương do Liên minh HTX Việt Nam quản lý; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cấp tỉnh được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Liên minh HTX cấp tỉnh quản lý. Có ý kiến chưa tán thành việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX vì cho rằng không nên thành lập bộ máy mới, mô hình mới; khi quy định pháp luật chưa rõ thì chưa nên quy định quỹ ngoài ngân sách nhà nước.  

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã được thành lập, hoạt động và quản lý bởi hệ thống Liên minh HTX từ trung ương đến địa phương. Từ Luật Hợp tác xã năm 2003, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã có quy định về Quỹ này, do đó quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tại Điều 28 dự thảo Luật lần này không phải hình thành nên một mô hình và bộ máy mới mà chỉ rà soát, điều chỉnh quy định về Quỹ để bảo đảm phù hợp và khả thi, hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trong việc tiếp cận vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (Nghị định số 45/2021/NĐ-CP) quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cơ cấu, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình, giải thể, phá sản Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trung ương và giao Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, cơ cấu, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương và Liên minh HTX cấp tỉnh thực hiện một số quyền hạn, trách nhiệm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương. Do đó việc đề xuất dự thảo Luật quy định giao Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam được thành lập ở trung ương do Liên minh HTX Việt Nam quản lý; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cấp tỉnh được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Liên minh HTX cấp tỉnh quản lý là chưa phù hợp.

Tuy nhiên, để quy định rõ hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện lại quy định tại khoản 2 Điều 28 về việc “Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam được thành lập ở trung ương, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cấp tỉnh được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Đây là nội dung đã được quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP tương tự như quy định về một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách tại một số luật khác như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo vệ môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường… Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Minh Hùng