PHIÊN HỌP THỨ SÁU HỘI ĐỒNG KHOA HỌC: THỐNG NHẤT DANH MỤC NHIỆM VỤ KHOA HỌC, CUNG CẤP NHIỀU LUẬN CỨ HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

19/04/2023

Kết luận nội dung Phiên họp thứ sáu Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng khoa học nêu rõ, Phiên họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Trong đó, Phiên họp đã thống nhất Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2024 đồng thời góp ý trực tiếp vào nhiều nội dung lớn của dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi).

DANH MỤC NHIỆM VỤ KHOA HỌC NĂM 2024: ĐẢM BẢO TÍNH MỚI, CẤP THIẾT, PHỤC VỤ TRỰC TIẾP CHO HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

PHIÊN HỌP THỨ SÁU HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA UBTVQH: CHO Ý KIẾN DANH MỤC NHIỆM VỤ KHOA HỌC NĂM 2024 VÀ DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Quang cảnh phiên họp.

Tại Phiên họp, Hội đồng khoa học đã tập trung cho ý kiến về 02 nội dung trọng tâm: nội dung thứ nhất, dự kiến Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2024 và nội dung thứ hai, Hội đồng góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về dự kiến Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2024 gồm 10 nhiệm vụ khoa học, trong đó có 03 nhiệm vụ khoa học cấp bộ thuộc nhóm giao trực tiếp cho các cơ quan thực hiện; 07 nhiệm vụ khoa học thuộc nhóm đề nghị tuyển chọn (trong đó có 05 nhiệm vụ khoa học cấp bộ và 02 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Đặc biệt, Dự kiến Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2024 có điểm mới là: ngoài các nhiệm vụ khoa học được thực hiện theo phương thức tuyển chọn, còn có các nhiệm vụ khoa học được thực hiện theo phương thức giao trực tiếp cho các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì phiên họp.

Theo đề nghị của Viện Nghiên cứu lập pháp, Hội đồng xem xét 3 nhóm đề xuất nhiệm vụ khoa học bao gồm: nhóm đề xuất đề nghị Hội đồng khoa học cho phép đưa vào Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2024; nhóm đề xuất đề nghị Hội đồng khoa học cân nhắc, xem xét đưa vào Danh mục và nhóm đề xuất đề nghị Hội đồng không đưa vào Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2024.

Trong các nhiệm vụ đề nghị triển khai, có 03 nhiệm vụ khoa học cấp bộ thuộc nhóm giao trực tiếp cho các cơ quan thực hiện, cụ thể là giao cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 03 nhiệm vụ khoa học này liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mà Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại, Ban Công tác đại biểu phụ trách và cũng là những nhiệm vụ mà Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho các cơ quan triển khai, thực hiện các Đề án, nhiệm vụ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học báo cáo tại phiên họp

Thảo luận lại Phiên họp, các thành viên Hội đồng khoa học tập trung cho ý kiến về sự cần thiết nghiên cứu, mục tiêu, nội dung nghiên cứu, tầm quan trọng của các vấn đề khoa học đặt ra, sản phẩm dự kiến; sự không trùng lắp với các nhiệm vụ khoa học đã và đang thực hiện;... Ngoài ra, làm rõ tính hợp lý về tên gọi được đề xuất của nhiệm vụ khoa học, việc bảo đảm tính thời sự so với chương trình hoạt động của Quốc hội,...

Qua thảo luận, đa số ý kiến thành viên cho rằng, các đề xuất nhiệm vụ khoa học có tính mới, thời sự, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Thanh Vân phát biểu tại phiên họp.

Sau khi tiến hành thảo luận, cho ý kiến về từng nhiệm vụ khoa học được đề xuất tại Danh mục, các thành viên Hội đồng khoa học đã thể hiện ý kiến bằng Phiếu biểu quyết.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Hội đồng đã có nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp về các nội dung mà Viện Nghiên cứu lập pháp đề xuất. Về cơ bản, các ý kiến đều thống nhất cao với các đề xuất của Viện Nghiên cứu lập pháp, các ý kiến cũng đã chỉ rõ những đề tài nào thực sự cần thiết, cần sớm triển khai kịp thời để phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ này cũng như chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo, cũng như những đề tài không thực sự cần thiết để triển khai trong năm tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trên cơ sở các thành viên Hội đồng gửi lại Phiếu biểu quyết thể hiện ý kiến cụ thể, đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp kết quả bỏ phiếu của Hội đồng, báo cáo Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH. Tiếp đó, theo quy trình làm việc, Chủ tịch Hội đồng khoa học sẽ báo cáo Chủ tịch Quốc hội trước khi ký Nghị quyết ban hành Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2024 và giao Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện các bước tiếp theo theo thẩm quyền; bảo đảm đúng thời gian quy định, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ hoạt động khoa học và công nghệ, gửi Văn phòng Quốc hội để tổng hợp gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính phê duyệt trong kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Cũng tại Phiên họp, Hội đồng khoa học đã góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là một trong những điểm mới trong phương thức hoạt động của Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhằm hướng tới việc đóng góp ý kiến thiết thực, trực tiếp về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội xem xét.

Hội đồng khoa học đã góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 và qua ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Tại Phiên họp, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các thành viên Hội đồng khoa học, chuyên gia đã góp ý trực tiếp vào những nội dung lớn của dự thảo luật như: quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; áp dụng pháp luật; tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính phù hợp với quy định tại các dự thảo Luật sửa đổi đặc biệt là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...

TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Qua thảo luận, các chuyên gia tán thành sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở (sửa đổi). Đồng thời, nhấn mạnh, việc sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Đồng thời, các ý kiến cũng lưu ý, việc sửa đổi phải phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng cũng đã chỉ ra nhiều nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần tiếp tục được rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa và hoàn thiện, đặc biệt là trong các nội dung có liên quan đến sở hữu nhà ở, chính sách về nhà ở xã hội, quản lý, sử dụng nhà ở, nhất là nhà chung cư; vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tài chính cho phát triển nhà ở;...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự án luật lớn, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 và qua ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hộ, Chính phủ đã có nhiều tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Nhấn mạnh đây cũng là dự án luật phức tạp, có liên quan chặt chẽ đến nhiều luật, bộ luật khác, nhất là các luật đang được sửa đổi, lấy ý kiến như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản..., Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Dquá trình soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần được thực hiện thật sự bài bản, khoa học, kỹ lưỡng, nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân..., đảm bảo dự án Luật thể chế hóa được đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách nhà ở, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật về nhà ở và thực tiễn thực hiện trong những năm vừa qua, đồng thời chú trọng bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Ghi nhận và đánh giá các ý kiến góp ý tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao của chuyên gia, các nhà khoa học, các thành viên Hội đồng khoa học tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cơ quan trình dự án và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dự án Luật.

Từ kết quả của Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp trong phạm vi trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị thật tốt các nguồn tư liệu tham khảo, thông tin khoa học lập pháp để góp phần phục vụ các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) thời gian tới./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh