CHỈ ĐỊNH THẦU ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN PHẢI ĐẢM BẢO ĐƯỢC TÍNH CẠNH TRANH, CHỐNG LÃNG PHÍ VÀ TIÊU CỰC

19/04/2023

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, hiệp hội và các đại biểu Quốc hội là vấn đề chỉ định thầu. Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất việc chỉ định thầu phải đảm bảo tính cạnh tranh, chống lãng phí và tiêu cực.

ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ BẤT CẬP TRONG ĐẤU THẦU THUỐC, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

Đề cập về hình thức chỉ định thầu ngày càng nới rộng thêm làm giảm bớt tính cạnh tranh trong đấu thầu, ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: Tại điều 23 của dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) đưa ra 12 trường hợp chỉ định thầu so với 10 trường hợp như ở bản cũ trước đó và 6 trường hợp tại luật đấu thầu hiện hành. Điều này đã khiến chúng ta đang đi ngược lại với xu hướng phải tăng cường tổ chức đấu thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, chống lãng phí, tiêu cực.


Ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam.

Trước sự điều chỉnh trên, ông Dương Văn Cận đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nghiên cứu hạn chế bớt các trường hợp chỉ định thầu, chỉ các trường hợp thật cần thiết như quy định tại các điểm a, b, c và d điều 23, các trường hợp khác đề nghị chuyển sang các hình thức lựa chọn khác. Ví dụ, một số trường hợp như: Gói thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của phương án kiến trúc trúng tuyển; Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 500 triệu đồng; Gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng; Gói thầu tư vấn, thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom, mìn, vật nổ hay gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, mua bản quyền sở hữu trí tuệ...

Ông Dương Văn Cận cũng đề xuất với Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu một số trường hợp nêu trên có thể chuyển sang hình thức lựa chọn khác như đàm phán giá, chào hàng cạnh tranh hay có thể đấu thầu rút gọn để tránh tình trạng chạy chọt, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu.

Tuy nhiên, đề cập về vấn đề trên, ông Nguyễn Khắc Hải- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nghiên cứu mở rộng phạm vi chỉ định thầu cho các gói thầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng do có ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Việc rút ngắn thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và dự án mang lại hiệu quả lớn hơn so với việc tiết kiệm khi đấu thầu các gói thầu thực hiện giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là hạn chế được các chi phí dừng chờ của các nhà thầu và các chi phí phát sinh khác trong quá trình thực hiện.


Ông Nguyễn Khắc Hải- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Theo ông Nguyễn Khắc Hải, điểm d khoản 3 Điều 23 không bắt buộc các gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay phải duyệt dự toán trước khi chỉ định thầu. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gói thầu hỗn hợp phải được xác định dự toán trước khi lựa chọn nhà thầu. Do đó, ông Nguyễn Khắc Hải đề nghị nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Cần quy định cụ thể về chỉ định thầu trong những trường hợp đặc biệt

Nhấn mạnh về sự cần thiết trong chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong những trường hợp đặc biệt, cần phải có chỉ định thầu. Điều này nhằm đảm bảo các tiêu chí đề ra. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn. Do vậy, cần quy định cụ thể về nội dung này trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng thống nhất với quy định về đấu thầu dự án, nhưng trong dự án Luật cần quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo khách quan, công bằng cho các nhà đầu tư, tránh hình thức.


Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Đồng thuận với quan điểm cần cân nhắc kỹ quy định về chỉ định thầu để tránh bị lợi dụng, đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, minh bạch, sẽ giúp quá trình mua sắm công của nước ta tốt hơn. 

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị bổ sung thêm nội dung về đấu thầu rộng rãi. Theo đó, cần có quy định đấu thầu chỉ về giá cho các gói thầu thông thường. Bởi ở nước ta hàng năm thực hiện hàng ngàn gói thầu, trong đó có rất nhiều gói thầu thông thường với quy mô dưới 50 tỷ đồng, cùng một loại công trình xây dựng… Do vậy, đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng, cần có giải pháp để cho các nhà thầu chỉ đấu thầu về giá, giúp giảm chi phí cho nhà thầu và đặc biệt hạn chế được nhà thầu phải gặp chủ đầu tư trước khi đấu thầu. Bởi làm như vậy thì sẽ không khách quan.

Đặc biệt, về nội dung tại Điều 23 quy định chỉ định thầu, dự thảo Luật quy định gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng. 


Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng, gói thầu về mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia là gói thầu đặc biệt, có thể phải chỉ định thầu trong suốt quá trình. Tuy nhiên, gói thầu về khắc phục sự cố thiên tai hoặc bất khả kháng thì chỉ cần trong một thời gian ngắn. Do vậy, để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo Luật cần quy địch tách ra. Quy định như vậy sẽ tránh được kẽ hở bị lợi dụng.

Với những ý kiến, đề xuất như trên, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội và đại biểu Quốc hội kỳ vọng tại Kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận sâu rộng về vấn đề chỉ định thầu đối với các dự án để khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) được áp dụng vào thực tiễn sẽ góp phần giảm thiểu được những bất cập, khó khăn phát sinh và đảm bảo tính cạnh tranh, chống lãng phí và tiêu cực./.

Bích Lan