QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VỀ THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM, NGĂN CHẶN SAI PHẠM, TRỤC LỢI TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

16/04/2023

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu trên các diễn đàn Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý… để tăng cường quản lý, hạn chế những hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại đến tài sản công.

HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đấu thầu (sửa đổi). Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, một số ý kiến ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi luật cần thiết, các mục tiêu, yêu cầu bám sát yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, một số nội dung của dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm đáp ứng đầy đủ mục tiêu đặt ra.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan ; Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.

Toàn cảnh hội nghị

Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu,  góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.

Về nội dung sửa đổi Luật, có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết nhưng hiện đang quá tập trung vào sửa đổi các điều khoản cụ thể, quy trình thủ tục. Luật đã được sửa đổi nhiều lần nhưng không tránh được các kẽ hở nên vẫn xảy ra nhiều tiêu cực. Do vậy, các đại biểu đề nghị không cần đấu thầu để rút ngắn được thời gian thủ tục, tiết kiệm thời gian và tránh được tiêu cực, tâm lý né tránh trách nhiệm. Đề nghị nghiên cứu thực hiện chào giá cạnh tranh với một số điều kiện ràng buộc cụ thể.

Đối với vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, Luật Đấu thầu được ban hành lần đầu vào năm 2005 và sửa đổi năm 2013 đã quy định nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh và các phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo

Dự thảo Luật này quy định về các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện quy định đã áp dụng ổn định, lâu dài tại các Luật được ban hành từ năm 2005, 2013 và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong những năm qua, việc thực thi Luật Đấu thầu đã có tác động tích cực, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh, góp phần sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả. Mặt khác, hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu tương tự như Việt Nam; Hướng dẫn đấu thầu của các nhà tài trợ quốc tế  cũng có quy định tương tự về hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.

Bên cạnh đó, đúng như ĐBQH đã nêu, thực tế cũng cho thấy, trong hoạt động đấu thầu đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, tiêu cực dẫn đến thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Các vụ việc đã được khởi tố hoặc xử lý vi phạm cho thấy, trong tổ chức thực hiện, một số tổ chức, cá nhân đã có các hành vi cố tình “thông thầu”, vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu, gian lận để trục lợi. Do vậy, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý… để tăng cường quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định của Luật, góp phần hạn chế những hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại đến tài sản công.

Về hồ sơ dự án Luật, có ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện Tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật, trong đó cần làm rõ những tồn tại, vướng mắc do quy định của luật, vấn đề thực tiễn đặt ra; vướng mắc do quá trình tổ chức thực hiện, những nội dung của luật còn phù hợp cần kế thừa. Theo quan điểm của cơ quan thẩm tra, căn cứ ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hồ sơ dự án Luật (trình kèm theo Tờ trình số 310/TTr-CP ngày 08/9/2022 của Chính phủ) và Báo cáo thẩm tra số 763/BC-UBTCNS15 ngày 19/9/2022 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội (kèm theo Tờ trình số 376/TTr-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ).

Các đại biểu tại Hội nghị

Theo đó, hồ sơ dự án Luật đã được hoàn thiện theo hướng: Cập nhật, bổ sung nội dung trong Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Đấu thầu năm 2013 nhằm đánh giá toàn diện kết quả 8 năm thực hiện Luật, xác định rõ những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân để từ đó đề xuất sửa đổi Luật phù hợp; Cập nhật, bổ sung số liệu trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật nhằm phân tích đầy đủ, toàn diện về tác động của việc thay đổi chính sách; Bổ sung Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế về xây dựng, thực hiện chính sách quản lý đấu thầu.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát, chỉnh sửa Nghị định hướng dẫn tương ứng với các nội dung chỉnh lý dự thảo luật để kịp thời ban hành Nghị định hướng dẫn sau khi Luật được Quốc hội thông qua.

Về tên gọi của Luật, có ý kiến đề nghị đổi tên thành “Luật lựa chọn nhà thầu” để thống nhất với nội dung dự thảo Luật đang trình, vì trong phạm vi dự thảo Luật không chỉ quy định về đấu thầu mà còn quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, tên “Luật Đấu thầu” không phải là tên gọi mới mà đã được sử dụng từ khi Luật được ban hành lần đầu tiên vào năm 2005. Trong lần sửa đổi toàn diện Luật này vào năm 2013, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng việc đổi tên Luật để bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh theo ý kiến của một số tổ chức, cá nhân, Quốc hội đã quyết định không thay đổi tên Luật để duy trì tính ổn định, tránh những xáo trộn không cần thiết.

Tên gọi “Luật Đấu thầu” với phạm vi điều chỉnh rộng (bao gồm cả các hình thức lựa chọn nhà thầu khác khác như: chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện…) đã được áp dụng ổn định trong thời gian gần 20 năm qua và đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Trong quá trình tham gia ý kiến về dự thảo Luật này, đa số Đại biểu Quốc hội nhất trí với tên của Luật là “Luật Đấu thầu”. Do đó, đề nghị giữ tên gọi của Luật là “Luật Đấu thầu” như Chính phủ đã trình.

Minh Hùng