QUY ĐỊNH CỤ THỂ CÁC HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN, LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

13/04/2023

Dự án luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Nhiều ý kiến đề nghị việc sửa luật lần này cần hướng đến các giải pháp hữu hiệu, kịp thời để thể chế hóa hình thức bảo vệ người tiêu dùng, quy định cụ thể các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Ngày 02/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)Tổng số có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Tổ và có 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường. Sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự án luật đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 20, để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua.

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận về dự án luật này, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì nhiều nội dung trong Luật hiện hành không còn phù hợp, đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc kịp thời đề xuất sửa đổi Luật, đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó, dự thảo Luật có tính nhân văn sâu sắc, cập nhật những vấn đề của thời đại, được chuẩn bị công phu và tổng quát, các nội dung và biện pháp bảo vệ người tiêu dùng là phù hợp và đáp ứng yêu cầu xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Về định vị Luật trong hệ thống văn bản pháp luật, các đại biểu đề nghị cần định vị rõ hơn Luật trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cần định vị thông qua việc làm rõ về phạm vi điều chỉnh và giải thích từ ngữ.

Các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện Dự án luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu và mục đích đề ra khi soạn thảo luật, đồng thời cũng cần có các quy định để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dung. Có ý kiến đề nghị việc sửa luật lần này cần hướng đến các giải pháp hữu hiệu, kịp thời để thể chế hóa hình thức bảo vệ người tiêu dùng, quy định cụ thể các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Cùng với đó, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ dự án Luật, các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung có liên quan của các Bộ luật và luật khác như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Rà soát và điều chỉnh, thống nhất các quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thông tin, Luật Thuế và các luật có liên quan. Rà soát, đảm bảo sự thống nhất giữa dự thảo Luật này với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đặc biệt là các nội dung về bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số.

Các đại biểu phát biểu ý kiến

Băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát lại một số quy định để đảm bảo tính khả thi sau khi Luật được thông qua, giảm thiểu hơn nữa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Về hồ sơ dự án Luật, có ý kiến cho rằng, hồ sơ trình dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, Cơ quan soạn thảo đã tổng kết việc thực hiện pháp luật hiện hành, đánh giá tác động của các chính sách được đề xuất, rà soát sự tương thích của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có ý kiến cho rằng hồ sơ dự án Luật không có dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đề nghị nội dung của Nghị định này phải thể hiện theo đúng nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính, không đưa thêm tình tiết tăng nặng.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của Luật (Điều 1 và Điều 2), một số ý kiến đề nghị xem xét phạm vi điều chỉnh theo hướng quy định về trách nhiệm BVQLNTD của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân có liên quan cho đầy đủ hơn. Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung cơ chế hợp tác quốc tế để BVQLNTD ở nước ngoài khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có liên quan của Việt Nam; đề nghị bổ sung quy định bảo vệ người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công.

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Về đối tượng áp dụng, có ý kiến đề nghị giữ đối tượng áp dụng người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay là cả tổ chức, cá nhân kinh doanh nước ngoài giao dịch bán hàng cho người tiêu dùng Việt Nam. Những vấn đề này cần được xác định rõ trong dự thảo Luật trong điều kiện giao dịch kinh doanh thương mại xuyên biên giới nhiều như hiện nay.

Về bố cục của dự thảo Luật, một số ý kiến thống nhất kết cấu, bố cục của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị chuyển các điều từ Điều 8 đến Điều 13 vào Chương II, đề nghị Chương II chỉ quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, không có nội dung khác như hợp đồng theo mẫu.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định riêng các chính sách về hàng hóa và các chính sách về dịch vụ; làm rõ nội dung nào có thể điều chỉnh chung, nội dung nào cần có quy định riêng để đảm bảo có căn cứ pháp lý chặt chẽ cho người tiêu dùng; đưa Điều 15 và Điều 16 lên ngay trước Điều 4 để đảm bảo trật tự logic, tức là quyền của người tiêu dùng, sau đó đến nghĩa vụ của người tiêu dùng, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Minh Hùng

Các bài viết khác