Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Đất đai có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Đất đai ra đời đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển đất nước; công tác quản lý nhà nước về đất đai từng bước đi vào nền nếp; quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất được pháp luật ghi nhận và bảo hộ; thị trường bất động sản được hình thành và phát triển không chỉ giải quyết bài toán đất đai cho nhu cầu sử dụng đất của xã hội mà còn biến đất đai trở thành nguồn lực, nguồn vốn to lớn để phát triển kinh tế đất nước, . .
Qua 4 lần được ban hành với tư cách là một Luật mới gồm: Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 có thể thấy cấu trúc của Luật Đất đai đều được đổi mới để phù hợp với những nội dung thay đổi của Luật cũng như thực tế xã hội. Cấu trúc của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã được kế thừa và phát triển trên cơ sở của Luật Đất đai qua các thời kỳ.
Nhiều đổi mới về cấu trúc theo hướng tiến bộ
Nghiên cứu về nội dung này, TS. Hoàng Thị Loan cho rằng, cơ quan soạn thảo Luật đã có nhiều đổi mới về cấu trúc theo hướng tiến bộ hơn đặc biệt thông qua việc đổi mới vị trí của Chương quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và bổ sung thêm một số quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm đã cho thấy nhà làm luật coi trọng hơn địa vị của người sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng thời có giải pháp hiệu quả để thực hiện chủ trương “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất” đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được bố cục thành 16 chương, theo đó bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất, 01 chương về tổ chức thi hành Luật Đất đai (bao gồm cả trách nhiệm tổ chức thi hành Luật đất đai và xử lý trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong tổ chức thi hành Luật Đất đai); tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương.
Các chương được sắp xếp, bố cục lại cho phù hợp, cụ thể: bổ sung một mục quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai vào Chương II “Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai”; chuyển Chương quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (Chương XI Luật 2013) lên ngay sau Chương II (quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai); các chương còn lại được sắp xếp theo bước trong chu trình nghiệp vụ của công tác quản lý Nhà nước về đất đai: Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Phát triển quỹ đất;...
TS. Hoàng Thị Loan cho rằng, việc bổ sung một mục quy định về quyền và trách nhiệm của công dân đối với đất đai và đưa Chương Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất lên ngay sau Chương Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai, đã thể hiện tư duy mới trong việc sự coi trọng hơn vị trí của người sử dụng đất trong quan hệ đất đai.
Bên cạnh đó, việc bổ sung một chương quy định về Phát triển quỹ đất cũng đã thể chế được Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về “Phát triển thị trường, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, tăng cường đăng ký quyền sử dụng đất và áp dụng định giá đất theo thị trường bảo đảm công khai, minh bạch”.
Qua rà soát, TS. Hoàng Thị Loan cho biết, Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 có giải thích từ ngữ đối với 30 thuật ngữ. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục giữ nguyên đối với 13 thuật ngữ gồm: Bản đồ địa chính, Bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Cơ sở dữ liệu đất đai; Đất để xây dựng công trình ngầm; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Hệ thống thông tin đất đai; Hủy hoại đất; ...
Bên cạnh đó, có 12 các thuật ngữ được xem xét sửa đổi bao gồm: Bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất; Chi phí đầu tư vào đất còn lại; Chuyển quyền sử dụng đất; Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; Giá đất; Giá trị quyền sử dụng đất; Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; Kế hoạch sử dụng đất; Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất; Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; Nhà nước giao quyền sử dụng đất;...
Theo TS. Hoàng Thị Loan việc sửa đổi các thuật ngữ nêu trên có thể xuất phát từ yêu cầu các nội dung quản lý và sử dụng đất trong Luật Đất đai đã có sự sửa đổi hoặc yêu cầu cần phải sửa đổi do đó các thuật ngữ cũng cần giải thích lại để đảm bảo yêu cầu quản lý trong giai đoạn hiện tại.
Đồng thời, có 26 thuật ngữ được bổ sung mới gồm: Chiếm đất; Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; Chuyển mục đích sử dụng đất; Cộng đồng dân cư; Dồn điền, đổi thửa; Đất chưa giao, chưa cho thuê; Đất có mặt nước ven biển; Điều chỉnh thời hạn sử dụng đất; Gia hạn sử dụng đất; Giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Góp vốn bằng quyền sử dụng đất;... Việc bổ sung các thuật ngữ để làm rõ hơn nội hàm của các quan hệ đất đai được pháp luật điều chỉnh hoặc hoặc luật hoá từ văn bản dưới Luật hoặc để giải thích cho các nội dung mới được quy định trong Luật Đất đai.
TS. Hoàng Thị Loan, Trường Đại học Luật Hà Nội
Đề xuất thiết kế một chương quy định về tổ chức thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)
Để tiếp tục hoàn thiện cấu trúc của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, TS. Hoàng Thị Loan đưa ra 05 kiến nghị liên quan đến việc thiết kế Chương I, Chương II, Chương XIII,... Cụ thể:
Một là, tại Chương I những quy định chung vẫn còn những quy định mang tính kỹ thuật ví dụ quy định về phân loại đất, căn cứ để xác định loại đất. Đây là những nội dung mang tính chuyên môn, nghiệp vụ nên chuyển về quy định thống nhất tại Chương chế độ sử dụng các loại đất.
Hai là, tại Chương II nhà làm luật đã cố gắng cân bằng quyền và trách nhiệm của Nhà nước với đất đai và quyền và trách nhiệm của công dân đối với đất đai. Theo đó đã lược bớt các điều luật cụ thể quy định về quyền của Nhà nước đối với đất đai như cách quy định của Luật Đất đai năm 2013 (theo chúng tôi đánh giá là có tính lý luận toàn diện hơn). Do đó, để hoàn thiện hơn thì nên quy định theo hướng chi tiết hơn nữa cả quyền và trách nhiệm của Nhà nước và công dân đối với đất đai.
Ba là, theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì một trong những nhiệm vụ được yêu cầu phải thể chế đó là “Tăng cường kiểm soát quyền lực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai";...
Tuy nhiên, dự thảo Luật thiếu hẳn nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đồng thời quy định chế độ báo cáo của các cơ quan có tham gia quản lý Nhà nước về đất đai. Do đó, nhà làm luật nên thiết kế một chương quy định về tổ chức thi hành Luật Đất đai để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
Bốn là, về chế độ sử dụng các loại đất, hiện nay quá trình phát triển kinh tế đất nước đã dẫn đến nhu cầu sử dụng nhiều loại đất mới như đất công trình trên không, đất công trình ngầm, sử dụng đất đa mục đích, các loại đất mới có thể xuất hiện trong tương lai như đất cho công trình hàng không vũ trụ, đất xây dựng nhà máy điện hạt nhân như kinh nghiệm của một số nước. Do đó, có thể xem xét quy định các chế độ sử dụng đất tại Chương XIII chia thành các nhóm lớn như: Quy định chung; Chế độ sử dụng đất nông nghiệp; Chế độ sử dụng đất nông nghiệp; Chế độ sử dụng đất lâm nghiệp; Chế độ sử dụng đất ở tại đô thị và nông thôn;...
Năm là, Chương thủ tục hành chính hiện nay còn đơn giản người dân không thể nắm được các nguyên tắc chung và quy trình thủ tục cơ bản và thời gian của mỗi thủ tục. Do đó, nên quy định cụ thể vấn đề này trong Luật để người dân dễ theo dõi và giám sát./.