CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA CHỦ TRÌ HỘI THẢO VỀ PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

08/04/2023

Ngày 08/4, tại Bắc Giang, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì hội thảo.

SỚM HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

ỦY BAN TƯ PHÁP KHẢO SÁT VIỆC CHẤP HÀNH LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN NĂM 2014 TẠI HƯNG YÊN

Cùng dự hội thảo có Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia và đại diện Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Trong những năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được tăng cường và đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, khả thi, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cũng cho thấy, chất lượng xây dựng một số văn bản chưa cao, vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, cài cắm lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định của Đảng nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là còn chưa đầy đủ, thiếu cụ thể, nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau; quá trình thực hiện có lúc còn chưa nghiêm, ý thức, trách nhiệm của một số cấp ủy Đảng, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên có chức năng tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật chưa cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc hội thảo

Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã chỉ rõ “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong năm 2022, Ủy ban Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, dự kiến trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua trong năm 2023. Hội thảo lần này sẽ góp phần làm rõ hơn về thực trạng, nhận diện các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và xây dựng cơ chế thực chất, hiệu quả để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, vấn đề làm thế nào để nhận diện các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tiêu cực trong xây dựng chính sách pháp luật, bởi nếu không nhận diện được thì sẽ khó có giải pháp phòng chống hữu hiệu, đây là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận.

Trong thời gian qua, cùng với việc ban hành các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương để nâng cao hơn nữa trách nhiệm phòng, chống lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, trong Hiến pháp năm 2013, các luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tuy chưa có quy định về khái niệm về lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực và các quy định trực tiếp về biện pháp phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng về cơ bản đã thiết kế được cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Cơ chế này được thể hiện thông qua các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, phạm vi, nội dung ban hành, giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường điều hành thảo luận tại hội thảo

Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm nhiều khâu, với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hơn nữa, hành vi cài đặt lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thường diễn ra tinh vi, khó phát hiện mối quan hệ giữa biểu hiện bên ngoài và động cơ thực sự bên trong nên khi phát hiện thì để chứng minh và xử lý trách nhiệm cũng rất phức tạp.

Đôi khi, hậu quả của chính sách, quy định được cài cắm đó thường không xảy ra ngay trong tương lai gần. Mặt khác, hiện này cũng chưa có quy định cụ thể, trực tiếp về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng pháp luật, đặc biệt là chưa có đủ căn cứ, cơ sở để xác định nội dung chính sách, quy định trong dự án, dự thảo văn bản có dấu hiệu lồng ghép, cài cắm lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo các đại biểu, việc phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật cần đặt trong bối cảnh kiểm soát quyền lực nói chung. Theo đó, cần công khai, minh bạch các quy trình trong xây dựng pháp luật, cùng với đó quy trách nhiệm, có chế tài xử lý đối với các chủ thể có hành vi sai phạm.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động này, đại diện Cơ quan phòng chống ma tuy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam  cho rằng, nên nghiên cứu xây dựng luật về vận động hành lang, bởi trên thực tế các hành động này vẫn đang diễn ra, vì vậy cần có quy định để đảm bảo hoạt động này đúng mục đích, ngăn chặn hành vi tiêu cực.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động phản biện chính sách của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và sự tham gia giám sát của nhân dân đối với quá trình xây dựng pháp luật.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Toàn cảnh hội thảo

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng phát biểu chào mừng

Đại diện Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Nguyễn Nguyệt Minh phát biểu chào mừng

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền trình bày tham luận với chủ đề Cơ chế phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực trình bày tham luận: Kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, tham gia ý kiến đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kiến nghị và giải pháp

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tùng trình bày tham luận: Kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, tham gia ý kiến đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao; kiến nghị và giải pháp

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến trình bày tham luận: Kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, tham mưu xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp và thông qua hoạt động thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị và giải pháp

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Lại Thị Thu Hà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình bày tham luận: Kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, tham gia ý kiến đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; kiến nghị và giải pháp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long phát biểu thảo luận

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Bảo Yến - Nghĩa Đức