CẦN GIẢI PHÁP THÁO GỠ, KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG GIẢM NGHÈO CHƯA BỀN VỮNG

08/04/2023

Làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về ''việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi giai đoạn 2021-2030'' cho rằng, cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để khắc phục tình trạng giảm nghèo chưa bền vững.

CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Còn chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giảm nghèo

Chương trình giám sát tối cao chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia đang được Đoàn giám sát thực hiện, triển khai một cách quyết liệt, sáng tạo, tích cực, đúng hướng, có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, các cơ quan hữu quan, tạo chuyển biến bước đầu tích cực. Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội về ''việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021-2030'' đã có cuộc làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Quang cảnh cuộc làm việc

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã làm rõ một số vấn đề trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ khẩn trương thực hiện thủ tục thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình; chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo được ban hành toàn diện. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên đã góp phần hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; các chính sách tín dụng xã hội đã hỗ trợ người dân vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế; nguồn lực xã hội hóa góp phần hỗ trợ người dân giải quyết một số nhu cầu cấp thiết như nhà ở, sinh kế, cải thiện đời sống.

Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay đã đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm. Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn tùng địa phương, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 và về giáo dục nghề nghiệp còn chậm so với yêu cầu tiến độ quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Một số địa phương đề xuất danh mục một số dự án đầu tư còn dàn trải, manh mún, trùng lắp, chưa đúng mục tiêu của Chương trình.

Tham gia đóng góp ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu chỉ ra rằng: một số văn bản hướng dẫn sau khi ban hành còn vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình tại địa phương: Vướng mắc về phạm vi thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 4. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Vướng mắc về kinh phí thực hiện Tiểu dự án 3 Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Vướng mắc về thẩm quyền ban hành mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một dự án; Vướng mắc về mức hỗ trợ đối tượng thực hiện một dự án.

Cùng với đó, các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương chưa được xác định cho cả giai đoạn 2021-2025 hoặc xác định mức trần hằng năm nên các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí thực hiện Chương trình. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình chưa bố trí thực hiện nội dung “hỗ trợ nhà ở” và “cải thiện dinh dưỡng” cho người nghèo.

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững

Đưa ra ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến đời sống người nghèo; chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 không phản ánh đúng thực trạng khách quan tình trạng nghèo của các hộ gia đình ở các vùng, miền tại thời điểm năm 2021 dẫn tới khó đánh giá được mục tiêu giảm nghèo thực hiện năm 2022 so với năm 2021. Một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan

Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những lý do là bởi việc phân bổ vốn chưa đáp ứng tiến độ là do trong 7 tháng đầu năm chưa có cơ sở pháp lý quy định việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quý IV năm 2021 là thời gian Hội đồng thẩm định nhà nước thực hiện quy trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình theo Luật Đầu tư công. Do vậy, năm 2021, chưa có đủ căn cứ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình.

Nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung thực hiện Chương trình năm 2021 được bố trí còn thấp, chậm, bố trí vào cuối năm nên các bộ, ngành và địa phương không có nguồn lực từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình trong năm 2021. Năm 2021, do thực hiện các quy trình, thủ tục và sự chậm trễ của một số bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí, thẩm định nguồn vốn thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu cũng đánh giá, tác động của đại dịch Covid-19 biến chủng mới; xung đột vũ trang, chính trị trên thế giới; biến đổi khí hậu; xu thế đô thị hoá; già hóa dân số; chênh lệch về thu nhập và mức sống; tình trạng di cư lao động tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập người dân, đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo và công tác giảm nghèo.

Nhìn nhận thẳng thắn vào nguyên nhân chủ quan, các đại biểu chỉ ra rằng, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, trách nhiệm đề xuất xây dựng kế hoạch thực hiện chưa cao, chưa chủ động dẫn tới sự chậm trễ trong ban hành văn bản, đề xuất và phân bổ vốn thực hiện Chương trình. Cán bộ làm công tác giảm nghèo từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, còn kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác ảnh hưởng đến chuyên môn, tiến độ công việc.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành chưa cao dẫn tới việc tổng hợp, báo cáo chậm, chưa có số liệu tổng họp kịp thời làm căn cứ ra quyết định điều chỉnh. Công tác truyền thông tuy được đầu tư nguồn lực và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng vẫn còn một số nơi thực hiện chưa thực sự hiệu quả, mang tính hình thức hoặc truyền thông chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện, đặc thù vùng miền.

Rút ra bài học kinh nghiệm trong triển khai chương trình, các đại biểu cho rằng cần tăng cường sự tham gia của người dân và các tổ chức đoàn thể vào mọi hoạt động của Chương trình, từ việc lập kế hoạch triển khai, quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá kết quả đến việc thụ hưởng thành quả từ các hoạt động của dự án; tăng cường phối họp công tác giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án. Các hoạt động sẽ phối họp đồng bộ với nhau khi triển khai (như hoạt động tập huấn, truyền thông, xây dựng mô hình,...) trên cơ sở phân định rõ phạm vi, đối tượng tác động và nội dung thông tin cần truyền tải.

Đặc biệt, các đại biểu kiến nghị, việc tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án phải căn cứ trên các quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của chủ chương trình, dự án thành phần; thực hiện đúng đối tượng, đúng phạm vi, có sự tham gia của người dân, đối tượng hưởng lợi; bảo đảm các nguyên tắc dân chủ, công khai, không trùng lắp nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có sự tham gia, giám sát của cộng đồng, của xã hội; bảo đảm mục tiêu của dự án, tiểu dự án.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần có sự phân công, phân cấp cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự thực hiện công tác giảm nghèo, đối tượng tham gia Chương trình, quan tâm bố trí nguồn lực và xã hội hóa nguồn lực thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, kịp thời xử lý các vướng mắc, sai phạm.

Hồ Hương

Các bài viết khác